Chào Luật sư, tôi muốn hỏi về một việc như sau: Vợ chồng tôi may mắn ăn nên làm ra, nhưng trong cuộc sống không đủ tin tưởng nhau, hay ghen tuông nên muốn lập di chúc để lại tài sản cho con cái tránh tình huống sau này nhỡ có ly hôn thì tài sản lại chia ngang. Hai vợ chồng tôi cũng đều muốn cho con được hưởng 100% tài sản của cả hai vợ chồng. Nhưng hiện nay con tôi chỉ mới 02 tuổi. Vậy bây giờ nếu tôi và chồng tôi lập di chúc để lại toàn bộ tài sản cho con tôi thì sau này nếu lỡ ly hôn hay vợ chồng không may lục đục thì con tôi có thể dựa vào nội dung di chúc vợ/chồng tôi đã lập trước đó để thừa hưởng toàn bộ tài sản này không? Mong được Luật sư giúp đỡ.

Trả lời:

Chào bạn. Cám ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Công ty Luật TNHH Sao Việt. Về vấn đề của bạn, chúng tôi sẽ tư vấn cho bạn như sau:

1. Căn cứ pháp lý:

- Bộ luật Dân sự năm 2015

- Luật hôn nhân và gia đình năm 2014

- Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP

2. Nội dung tư vấn:

Thứ nhất, về vấn đề lập di chúc để cho con hưởng tài sản chung của vợ chồng:

Theo quy định tại Điều 609 Bộ luật Dân sự năm 2015 (BLDS 2015) thì “cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình, để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật, hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật”. Theo quy định này, khi có nhu cầu, vợ, chồng bạn hoàn toàn có quyền lập di chúc để để lại tài sản cho con của mình. Tuy nhiên, chúng tôi khuyên bạn chưa nên lập di chúc vào thời điểm này vì một số lý lẽ như sau:

Một là, do vợ chồng bạn vẫn đang trong thời kỳ hôn nhân, và tài sản mà vợ chồng bạn muốn để thừa kế cho con là tài sản chung của vợ chồng – đây là tài sản chung hợp nhất nên nếu vợ/chồng bạn lập di chúc riêng để định đoạt tài sản cho con thì rất khó phân định “Tài sản thừa kế” – tức giá trị tài sản mà vợ/chồng bạn có được trong khối tài sản chung này. Điều này dẫn đến việc các bản di chúc riêng khi được lập, nếu không cẩn thận trong việc dùng từ thì nội dung di chúc có thể xâm phạm đến quyền của người vợ/chồng còn lại khi định đoạt luôn phần giá trị tài sản của người còn lại trong khối tài sản chung, là nguyên nhân dẫn đến việc di chúc đã lập có thể bị vô hiệu.

Ngược lại, nếu vợ chồng bạn cùng đồng thuận lập di chúc chung của vợ chồng, để để lại tài sản cho con thì do pháp luật dân sự hiện nay không còn quy định về thể loại di chúc này, hơn nữa từ những vụ việc trên thực tế cho thấy có nhiều vướng mắc pháp lý xảy ra đối với việc thừa kế tài sản khi một trong hai người (vợ/chồng) lập di chúc có một người chết trước.

Hai là, di chúc chỉ có hiệu lực “kể từ thời điểm mở thừa kế” – tức là “thời điểm người có tài sản chết” và “khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản thì chỉ bản di chúc sau cùng có hiệu lực” (BL 611, 643 BLDS 2015). Điều đó có nghĩa, khi vợ/chồng bạn còn sống thì di chúc do vợ/chồng bạn để lại sẽ không có hiệu lực, và vợ/chồng bạn hoàn toàn có quyền thay đổi ý kiến, lập di chúc khác thay thế. 

Ngoài ra, trường hợp vợ chồng bạn không may xảy ra mâu thuẫn, dẫn đến việc ly hôn thì vấn đề tài sản cũng sẽ được Tòa án đưa ra xem xét. Trường hợp này, dù đã lập di chúc định đoạt phần tài sản cho con, nhưng khi vợ/chồng có yêu cầu về việc phân chia tài sản thì Tòa án vẫn tiến hành phân chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân theo quy định của pháp luật (Điều 59 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014; Điều 7 Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP). Tài sản chung của vợ chồng sau khi được phân chia khi ly hôn sẽ thuộc về quyền sở hữu, định đoạt riêng của mỗi người, và các tài sản là nhà, đất đang đứng tên hai vợ chồng đều sẽ có sự thay đổi về “chủ sở hữu” theo Quyết định có hiệu lực của Tòa án. Khi đó, bạn không thể ngăn cản việc người chồng/vợ của bạn thay đổi nội dung di chúc hay chuyển quyền sở hữu tài sản của họ sau khi ly hôn, vì vậy, không có gì chắc chắn rằng con bạn sẽ vẫn tiếp tục được hưởng phần tài sản mà người chồng/vợ đã định đoạt theo di chúc lập trước đó.

Ba là, con của bạn – người thừa kế hợp pháp của bạn hoặc chồng bạn vẫn có quyền thừa kế tài sản của vợ/chồng bạn khi vợ/chồng bạn chết đi, kể cả trong trường hợp vợ chồng bạn không lập di chúc, hoặc có lập di chúc nhưng di chúc không hợp pháp. Trường hợp này, con của bạn sẽ được hưởng tài sản theo diện thừa kế theo pháp luật, cụ thể “thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định” (Điều 649 BLDS 2015). Tuy nhiên,, con của bạn có thể không được hưởng toàn bộ tài sản chung của vợ chồng bạn vì chỉ là một trong những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất.

Từ các lý do nêu trên, chúng tôi cho rằng vợ chồng bạn không nên lập di chúc để định đoạt tài sản chung của vợ chồng cho con trong thời điểm này, trừ trường hợp một trong hai bạn đang có vấn đề về sức khỏe. Nếu vẫn muốn con bạn được thừa hưởng toàn bộ tài sản chung của vợ chồng sau khi trưởng thành thì để tránh các vướng mắc về thủ tục, vợ chồng bạn có thể lập hợp đồng tặng cho tài sản cho con, khi đó cha mẹ vẫn có quyền quản lý tài sản cho đến khi con 18 tuổi vì là người giám hộ của con. (Tuy nhiên sẽ có một vài rủi ro về việc để con cái đứng tên toàn bộ tài sản của cha mẹ nếu tình cảm gia đình không tốt)

Trường hợp vẫn muốn lập di chúc, bạn cần lưu ý các điều kiện được quy định tại Điều 630 BLDS 2015 để di chúc hợp pháp. Theo đó, người lập di chúc phải minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc, không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép; nội dung di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; và hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật. 

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -           
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer