Chồng tôi bị tai nạn giao thông nên đã qua đời 4 tháng trước. Khi đó tôi đang mang bầu tháng thứ 3. Đến tháng vừa rồi, bố chồng tôi ốm nặng nên cũng không may qua đời. Mẹ chồng tôi đã mất từ lâu.

Trước khi mất bố chồng tôi không để lại di chúc. Sau khi lo tang lễ cho bố xong, chú hai và cô út (đều là anh em ruột của của chồng tôi) bàn nhau sẽ chia mảnh đất của ông mà không có phần của chồng tôi vì chồng tôi mất rồi, con tôi lại chưa được sinh ra.

Tôi rất búc xúc về điều này vì 2 tháng nữa là tôi sinh bé. Hơn nữa tôi tìm hiểu trên mạng thì được biết con tôi sẽ được hưởng thừa kế thế vị thay phần của bố nó. Tuy nhiên tôi vẫn chưa hiểu rõ trường hợp con tôi chưa sinh ra thì có được hưởng thừa kế thế vị không? Mong Luật Sao Việt tư vấn giúp tôi!

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:

Chồng bạn qua đời khi bạn đang mang thai tháng thứ 3. Vì vậy, dưới góc độ pháp lý, quan hệ hôn nhân giữa vợ chồng bạn đã chấm dứt kể từ thời điểm chồng bạn mất, tuy nhiên đứa trẻ vẫn được xác định là con chung của vợ chồng bạn vì “Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng. Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.” (Điều 88 Luật Hôn nhân và gia đình 2014)

Quy định đối với thai nhi hưởng thừa kế thế vị:

Trong bài viết Thừa kế thế vị, Luật Sao Việt đã phân tích rõ các trường hợp cũng như điều kiện áp dụng thừa kế thế vị. Cụ thể Điều 652 Bộ luật dân sự 2015 quy định như sau

Điều 652. Thừa kế thế vị

Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.

Theo đó, Các trường hợp thừa kế thế vị bao gồm;

–        Cháu thế vị cha hoặc mẹ để hưởng phần di sản của ông bà.

–        Chắt thế vị cha hoặc mẹ để hưởng phần di sản của cụ.

Điều kiện đối với người hưởng thừa kế thế vị:

Thừa kế thế vị là trường hợp thừa kế đặc biệt. Do vậy, những người thừa kế thế vị cũng rất đặc biệt. Khi xét về hàng thừa kế thì họ không được hưởng di sản nhưng họ được nhận thay cho bố (hoặc mẹ) của họ (là những người đáng ra được hưởng thừa kế nếu còn sống). Theo quy định thì thừa kế thế vị chỉ đặt ra khi thỏa mãn những điều kiện sau:

–        Những người thừa kế phải có quan hệ thừa kế thứ hai trong hàng thừa kế thứ nhất (quan hệ thừa kế giữa cha mẹ, con), trong đó người thế vị phải là người ở đời sau. Nghĩa là chỉ có con được thế vị cha mẹ mà không bao giờ có trường hợp cha, mẹ thế vị cho con. Người được hưởng thừa kế thế vị có thể là con đẻ hoặc con nuôi. Điều 653 BLDS 2015 quy định: “Con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 651 và Điều 652 của Bộ luật này.”

–  Thừa kế thế vị chỉ được đặt ra khi người thừa kế chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người để lại di sản: Xét theo nguyên tắc thì không thể có trường hợp hai người chết cùng một thời điểm. Nhưng trên thực tế xảy ra có những trường hợp nhiều người chết trong một tai nạn mà không thể xác định được ai chết trước, ai chết sau. Vì vậy, buộc phải suy đoán họ chết cùng một thời điểm. Nếu hai người thừa kế tài sản của nhau mà được coi là chết cùng một thời điểm, thì họ sẽ không được thừa kế của nhau, di sản của mỗi người được chia cho những người thừa kế của họ. Pháp luật quy định như vậy để việc chia di sản thừa kế được tiến hành bình thường, không ảnh hưởng đến quyền lợi của những người thừa kế khác

–        Cháu, chắt của người để lại di sản phải còn sống hoặc chưa ra đời nhưng đã thành thai trước thời điểm ông, bà, cụ chết thì mới có tư cách của người thừa kế và mới được áp dụng chế định thừa kế thế vị. Nếu thai nhi sinh ra và còn sống thì được hưởng phần di sản đó, nếu chết trước khi sinh hoặc ngay sau khi sinh thì phần di sản được chia cho những người thừa kế khác.

“Điều 613. Người thừa kế

Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.”

=> Với trường hợp của bạn, chồng bạn qua đời trước bố chồng, khi bố chồng mất không để lại di chúc, thời điểm bố chồng mất bạn đã mang bầu được 7 tháng nên con bạn sẽ được thế vị để hưởng thay phần của bố. Phần di sản của bố chồng bạn sẽ được chia đểu cho con bạn (nhận thay phần của bố - nếu sinh ra và còn sống), chú Hai, cô út. Trường hợp không may thai nhi mất trước khi sinh hoặc ngay sau khi sinh thì phần di sản đó sẽ chia cho chú Hai, cô út.

Bài viết liên quan: Thai nhi có được hưởng thừa kế di sản khi bố đã mất không? 

 

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

 

 

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer