Tôi sống từ nhỏ với mẹ và không biết bố mình là ai. Trên giấy khai sinh của tôi cũng không có tên bố. Cho đến năm tôi 18 tuổi, mẹ tôi mới nói cho tôi biết trước đây 2 bố mẹ yêu nhau nhưng bị gia đình 2 bên ngăn cản. Sau đó bố tôi theo gia đình vào miền Nam sinh sống và kết hôn với một người khác. Mẹ tôi biết vậy nên cũng không đi tìm ông mà ở vậy nuôi con. Bây giờ tôi đã lớn muốn tìm lại bố thì hay tin bố tôi đã đột ngột qua đời cách đây 1 năm. Bây giờ vợ con ông đang làm thủ tục phân chia di sản. Tôi muốn hỏi liệu trường hợp của tôi khi nhận lại bố thì có được hưởng thừa kế di sản của ông không?

Trả lời:

Hiện nay, Pháp luật nước ta không phân biệt quyền thừa kế của con trong giá thú hay ngoài giá thú đối với phần di sản của cha. Vì vậy, khi người cha chết không để lại di chúc, bạn dù là con riêng nhưng vẫn thuộc hàng thừa kế thứ nhất và sẽ được hưởng phần di sản như những người cùng thuộc hàng thừa kế. Tuy nhiên, nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 621 Bộ luật Dân sự 2015 thì người thừa kế sẽ không được hưởng thừa kế di sản của bố, các trường hợp đó gồm:

a) Bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;

b) Vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;

c) Bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;

d) Có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.

Tuy nhiên bạn cần lưu ý: vấn đề trở ngại đối với bạn hiện nay là trên giấy khai sinh của người bạn không ghi tên người cha cũng như không có các giấy tờ tài liệu nào khác thể hiện việc bạn và cha mình có mối quan hệ cha con. Việc bạn được biết mối quan hệ cha con của mình là hoàn toàn dựa trên lời kể của mẹ. Vì vậy, về mặt pháp luật, thì hiện tại chưa có cơ sở để xác định quan hệ cha con giữa bạn và người cha. Do đó bạn không thể ngay lập tức được hưởng thừa kế như vợ và những người con khác của ông.

Trường hợp này, nếu muốn được hưởng thừa kế di sản của cha bạn thì trước tiên bạn phải thực hiện thủ tục xác định quan hệ cha con. Bạn tham khảo tại Thủ tục nhận lại cha mẹ khi cha/mẹ đã chết  

Bạn cần lưu ý: thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Do đó, bạn nên nhanh chóng thực hiện thủ tục nhận cha để xác nhận quyền thừa kế và quyền yêu cầu chia di sản. (Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản theo quy định tại Điều 623 Bộ luật dân sự 2015), Khi đó cho dù di sản thừa kế của cha bạn đã hay chưa được chia thì bạn vẫn hoàn toàn có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án phân định lại phần di sản thuộc về bạn.

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer