Vợ chồng tôi có 2 con đến nay đều đã trưởng thành. Cách đây 10 năm chúng tôi nhận thêm một bé gái mồ côi làm con nuôi. Mặc dù nhận nuôi cháu nhưng vợ chồng tôi không làm thủ tục ở xã mà chỉ đưa cháu về nuôi nấng, chăm sóc như con đẻ. Gần đây, vợ chồng tôi có ý định lập di chúc chia đều tài sản cho cả con ruột và con nuôi. Tuy nhiên, hai con gái ruột của tôi tỏ ý tỵ nạnh không hài lòng. Vì ngại chuyện gia đình xung đột nên chúng tôi đang tính sẽ không lập di chúc mà để sau khi mất thì tài sản sẽ chia theo pháp luật. Vậy trong trường hợp con nuôi ở với chúng tôi như con ruột nhưng không đăng ký thì cháu có được hưởng thừa kế của vợ chồng tôi theo pháp luật hay không? Mong luật sư tư vấn giúp vợ chồng tôi phương án hợp lý.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trả lời:

Theo quy định của Luật nuôi con nuôi năm 2010 thì việc nhận nuôi con nuôi phải được đăng ký với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên trên thực tế việc các gia đình nhận nuôi con nuôi nhưng không đăng ký diễn ra rất phổ biến và trường hợp như gia đình bạn cũng là một ví dụ.

Theo quy định tại Điều 50 Luật Nuôi con nuôi thì “Việc nuôi con nuôi giữa công dân Việt Nam với nhau trước ngày Luật này có hiệu lực mà chưa đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì được đăng ký trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày Luật này có hiệu lực…”

Do Luật nuôi con nuôi đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2011 nên nếu đúng theo quy định thì vợ chồng bạn phải đi đăng ký nhận con nuôi từ năm 2011, hạn cuối là trước năm 2016.

Việc nhận nuôi con nuôi nhưng không đăng ký thực chất cũng thường không gây ra vấn đề gì nếu không liên quan đến việc thừa kế trong tương lai. Theo Điều 653 Bộ luật dân sự năm 2015 thì con nuôi và cha mẹ nuôi được hưởng thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế thế vị, thừa kế theo pháp luật. Như vậy, nếu có đăng ký nhận con nuôi đúng quy định thì khi phân chia di sản thừa kế, con nuôi và con ruột đều được hưởng quyền lợi như nhau.

Trường hợp có nhận con nuôi nhưng không đăng ký thì trên phương diện pháp luật chưa ghi nhận quan hệ phát sinh giữa con nuôi và cha mẹ nuôi. Do đó, khi chia thừa kế theo pháp luật, người con nuôi sẽ không được hưởng di sản cha mẹ nuôi để lại.

Đối với trường hợp của bạn, vì vợ chồng bạn chưa đăng ký nhận con nuôi nên nếu chia thừa kế theo pháp luật thì con gái nuôi sẽ không được nhận tài sản của vợ chồng bạn. Nếu vẫn muốn chia theo pháp luật thì vợ chồng bạn phải làm thủ tục đăng ký nhận con nuôi ngay từ bây giờ.

Do đó, chúng tôi khuyên bạn nên lập di chúc và phân chia rõ ràng số tài sản muốn để lại cho các con trong di chúc. Như vậy, bạn vừa có thể chia tài sản cho các con theo ý mình, không sợ sau khi mất đi thì con cái sẽ vì tranh chấp chia thừa kế mà mất đoàn kết; đồng thời, vợ chồng bạn không phải làm thủ tục nhận con nuôi mà vẫn có thể để lại cho con gái nuôi tài sản theo ý muốn của mình.Mặc dù theo thông tin bạn chia sẻ, bạn không muốn lập di chúc vì sợ hai con gái ruột không hài lòng, tuy nhiên, di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Do đó, vợ chồng bạn có toàn quyền quyết định với số tài sản của mình mà không cần có sự chấp thuận của con cái.

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

Về hình thức của di chúc, thủ tục lập di chúc theo đúng quy định của pháp luật, bạn có thể tham khảo tại: https://www.saovietlaw.com/dan-su-1/lap-di-chuc-theo-quy-dinh-phap-luat/

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer