Bố tôi trước khi mất đã lập di chúc để lại số tiền trong tài khoản ngân hàng cho cháu đích tôn (con trai tôi). Tuy nhiên di chúc cũng nói rõ số tiền trong tài khoản ngân hàng chỉ được rút ra khi cháu học xong đại học, số tiền lãi mỗi năm được sử dụng để chi trả học phí và các chi phí ăn ở khi đi học. Con trai tôi hiện mới học năm 2 đại học, cháu đang có ý tưởng khởi nghiệp kinh doanh từ việc in áo để bán, con có xin tiền tôi và vợ nhưng số tiền lớn và tôi thấy ý tưởng của cháu không khả thi nên không cho. Sau đó, cháu đòi rút tiền thừa kế từ ông nội để kinh doanh theo ý muốn của mình. Tôi muốn hỏi liệu cháu có thể tự ý nhận thừa kế từ ông trước thời hạn trong di chúc không và nếu cháu đòi rút mà chúng tôi không cho thì ngân hàng có cho rút tiền không? Tôi xin cảm ơn

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Trả lời

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Di chúc có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế. Sau khi có thông báo về việc mở thừa kế hoặc di chúc được công bố, những người thừa kế có thể họp mặt để thỏa thuận những việc được quy định tại khoản 1 Điều 656 của Bộ luật dân sự như:

- Cử người quản lý di sản, người phân chia di sản, xác định quyền, nghĩa vụ của những người này, nếu người để lại di sản không chỉ định trong di chúc;

- Cách thức phân chia di sản

Thỏa thuận phân chia di sản thừa kế phải được lập thành văn bản và phải tuân thủ theo nguyện vọng của người chết. Ngoài ra, tại Điều 661 BLDS cũng quy định: “trường hợp theo ý chí của người lập di chúc hoặc theo thỏa thuận của tất cả những người thừa kế, di sản chỉ được phân chia sau một thời hạn nhất định thì chỉ khi đã hết thời hạn đó di sản mới được đem chia.

Trường hợp yêu cầu chia di sản thừa kế mà việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của bên vợ hoặc chồng còn sống và gia đình thì bên còn sống có quyền yêu cầu Tòa án xác định phần di sản mà những người thừa kế được hưởng nhưng chưa cho chia di sản trong một thời hạn nhất định. Thời hạn này không quá 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn 03 năm mà bên còn sống chứng minh được việc chia di sản vẫn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của gia đình họ thì có quyền yêu cầu Tòa án gia hạn một lần nhưng không quá 03 năm”.

Theo đó, nếu bố bạn để lại di chúc yêu cầu số tiền trong tài khoản của ông chỉ được rút sau khi cháu học xong đại học thì con trai bạn không được quyền rút trước thời hạn. Khi thực hiện thủ tục  rút tiền gửi của bố bạn tại ngân hàng, ngân hàng sẽ yêu cầu phải cung cấp bản di chúc hợp pháp mà ông để lại vì vậy con trai bạn không thể tự ý nhận thừa kế trước thời hạn trong di chúc. Khi đã đáp ứng đủ điều kiện theo di chúc quy định, con trai bạn có thể tự rút tiền mà không cần sự cho phép của vợ chồng bạn.

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer