Mục đích của việc lập báo cáo kiểm toán là gì? Có bắt buộc phải kiểm toán báo cáo tài chính năm trước khi nộp cho cơ quan nhà nước hay không? Hành vi không thực hiện kiểm toán bắt buộc đối với báo cáo tài chính bị xử phạt như thế nào? Bài viết dưới đây của Luật Sao Việt sẽ cung cấp thông tin đến bạn đọc về vấn đề này.
Mục đích của việc lập báo cáo kiểm toán là gì?
Báo cáo tài chính là hệ thống thông tin kinh tế, tài chính của đơn vị kế toán được trình bày theo biểu mẫu quy định tại chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán. (Khoản 1 Điều 3 Luật Kế toán 2015)
Kiểm toán độc lập là việc kiểm toán viên hành nghề, doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam kiểm tra, đưa ra ý kiến độc lập của mình về báo cáo tài chính và công việc kiểm toán khác theo hợp đồng kiểm toán. (Khoản 1 Điều 5 Luật Kiểm toán độc lập 2011)
Báo cáo kiểm toán là văn bản do kiểm toán viên hành nghề, doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam lập sau khi kết thúc việc kiểm toán, đưa ra ý kiến về báo cáo tài chính và những nội dung khác đã được kiểm toán theo hợp đồng kiểm toán. (Khoản 12 Điều 5 Luật Kiểm toán độc lập 2011)
Điều 7 Luật Kiểm toán độc lập 2011 quy định giá trị của báo cáo kiểm toán như sau:
- Báo cáo kiểm toán về báo cáo tài chính đánh giá tính trung thực và hợp lý của báo cáo tài chính, phù hợp với chuẩn mực kế toán, chế độ kế toán do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ban hành.
- Báo cáo kiểm toán tuân thủ đánh giá việc tuân thủ pháp luật, quy chế, quy định trong quản lý, sử dụng tiền, tài sản và các nguồn lực khác của đơn vị được kiểm toán.
- Báo cáo kiểm toán hoạt động đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong quản lý, sử dụng tiền, tài sản và các nguồn lực khác của đơn vị được kiểm toán.
- Báo cáo kiểm toán được sử dụng để:
+ Cổ đông, nhà đầu tư, bên tham gia liên doanh, liên kết, khách hàng và tổ chức, cá nhân khác có quyền lợi trực tiếp hoặc liên quan đến đơn vị được kiểm toán xử lý các quan hệ về quyền lợi và nghĩa vụ của các bên có liên quan;
+ Cơ quan nhà nước quản lý điều hành theo chức năng, nhiệm vụ được giao;
+ Đơn vị được kiểm toán phát hiện, xử lý và ngăn ngừa kịp thời sai sót, yếu kém trong hoạt động của đơn vị.
Như vậy, mục đích của việc báo cáo kiểm toán về báo cáo tài chính là để đánh giá tính trung thực và hợp lý của báo cáo tài chính, phù hợp với chuẩn mực kế toán, chế độ kế toán do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ban hành.
Có bắt buộc phải kiểm toán báo cáo tài chính năm trước khi nộp cho cơ quan nhà nước hay không?
Căn cứ Điều 37 Luật Kiểm toán độc lập 2011 và Điều 15 Nghị định số 17/2012/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật kiểm toán độc lập, các đơn vị được kiểm toán bao gồm:
- Các doanh nghiệp, tổ chức mà pháp luật quy định báo cáo tài chính hàng năm phải được doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam kiểm toán, bao gồm:
+ Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài;
+ Tổ chức tín dụng được thành lập và hoạt động theo Luật các tổ chức tín dụng, bao gồm cả chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam;
+ Tổ chức tài chính, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài.
+ Công ty đại chúng, tổ chức phát hành và tổ chức kinh doanh chứng khoán.
- Các doanh nghiệp, tổ chức phải được doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam kiểm toán, bao gồm:
+ Doanh nghiệp nhà nước, trừ doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực thuộc bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật phải được kiểm toán đối với báo cáo tài chính hàng năm;
+ Doanh nghiệp, tổ chức thực hiện dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A sử dụng vốn nhà nước, trừ các dự án trong lĩnh vực thuộc bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật phải được kiểm toán đối với báo cáo quyết toán dự án hoàn thành;
+ Doanh nghiệp, tổ chức mà các tập đoàn, tổng công ty nhà nước nắm giữ từ 20% quyền biểu quyết trở lên tại thời điểm cuối năm tài chính phải được kiểm toán đối với báo cáo tài chính hàng năm;
+ Doanh nghiệp mà các tổ chức niêm yết, tổ chức phát hành và tổ chức kinh doanh chứng khoán nắm giữ từ 20% quyền biểu quyết trở lên tại thời điểm cuối năm tài chính phải được kiểm toán đối với báo cáo tài chính hàng năm;
+ Doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam phải được kiểm toán đối với báo cáo tài chính hàng năm.
- Các doanh nghiệp, tổ chức khác bắt buộc phải kiểm toán theo quy định của pháp luật có liên quan.
- Các doanh nghiệp, tổ chức khác tự nguyện được kiểm toán.
Theo quy định trên thì chỉ trong những trường hợp nhất định mà pháp luật kiểm toán và các pháp luật chuyên ngành khác có quy định phải kiểm toán thì báo cáo tài chính năm của doanh nghiệp, tổ chức mới bắt buộc phải kiểm toán trước khi nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trường hợp các doanh nghiệp, tổ chức khác không thuộc quy định trên nếu có nhu cầu thì có thể tự nguyện được kiểm toán.
Không thực hiện kiểm toán bắt buộc đối với báo cáo tài chính bị xử phạt như thế nào?
Căn cứ Điều 53 Nghị định 41/2018/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập quy định:
“Điều 53. Xử phạt hành vi vi phạm quy định về lựa chọn doanh nghiệp kiểm toán, kiểm toán viên hành nghề thực hiện kiểm toán
1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với đơn vị thuê doanh nghiệp kiểm toán trong các trường hợp doanh nghiệp kiểm toán không được thực hiện kiểm toán theo quy định pháp luật.
2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với đơn vị thuê doanh nghiệp kiểm toán không đủ điều kiện cung cấp dịch vụ kiểm toán theo quy định của pháp luật.
3. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với đơn vị được kiểm toán không thực hiện kiểm toán bắt buộc đối với báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán dự án hoàn thành, báo cáo tài chính hợp nhất, báo cáo tài chính tổng hợp và các công việc kiểm toán khác theo quy định của pháp luật về kiểm toán độc lập và pháp luật khác có liên quan.”
Như vậy, nếu đơn vị được kiểm toán không thực hiện kiểm toán bắt buộc đối với báo cáo tài chính thì có thể bị xử phạt từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com