Theo định nghĩa tại khoản 6 Điều 3 Luật Thương mại năm 2005:

“6. Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam là đơn vị phụ thuộc của thương nhân nước ngoài, được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam để tìm hiểu thị trường và thực hiện một số hoạt động xúc tiến thương mại mà pháp luật Việt Nam cho phép.”

Đồng thời, theo Điều 30 Nghị định số 07/2016/NĐ-CP quy định về nội dung hoạt động của Văn phòng đại diện thì văn phòng đại diện thực hiện chức năng văn phòng liên lạc, tìm hiểu thị trường, xúc tiến thúc đẩy cơ hội đầu tư kinh doanh của thương nhân mà mình đại diện, không bao gồm ngành dịch vụ mà việc thành lập Văn phòng đại diện trong lĩnh vực đó được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành.

Tuy nhiên trên thực tế, vẫn có các văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài thực hiện hoạt động giao dịch với khách hàng, đây cũng được xem là có hoạt động kinh doanh, vì vậy, việc nộp các loại thuế, phí cũng sẽ tùy vào từng trường hợp khác nhau.

1. Thuế môn bài 

Theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 139/2016/NĐ-CP về người nộp lệ phí môn bài thì: “Người nộp lệ phí môn bài là tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp quy định tại Điều 3 Nghị định này, bao gồm:

1. Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật

...

6. Chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh của các tổ chức quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này (nếu có) …”

Như vậy, văn phòng đại diện của doanh nghiệp cũng là đối tượng phải nộp thuế môn bài, tuy nhiên không phải tất cả các loại văn phòng đại diện đều phải nộp thuế mà còn căn cứ vào việc văn phòng đại diện đó có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ hay không. 

Theo hướng dẫn của Tổng cục Thuế tại Công văn 1279/TCT-CS năm 2017 trả lời Công văn 88/CT-THNVDT ngày 23/01/2017 của Cục Thuế tỉnh Kiên Giang về lệ phí môn bài, quy định về lệ phí môn bài đối với văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, như sau:

“Tại Điều 2 Nghị định số 139/2016/NĐ-CP ngày 04/10/2016 của Chính phủ quy định người nộp lệ phí môn bài như sau:

"Người nộp lệ phí môn bài là tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp quy định tại Điều 3 Nghị định này, bao gồm:

1. Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật...

6. Chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh của các tổ chức quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này (nếu có)...

Căn cứ quy định trên, trường hợp văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thì phải nộp lệ phí môn bài; trường hợp văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh không hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thì không phải nộp lệ phí môn bài.”

Như vậy, dù thuộc nhóm đối tượng phải nộp lệ phí môn bài nhưng nếu văn phòng đại diện có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thì mới phải nộp thuế còn không hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thì không phải nộp thuế môn bài.

Theo điểm c khoản 1 Điều 4 Thông tư 302/2016/TT-BTC, mức thu lệ phí môn bài đối với văn phòng đại diện là 01 triệu/năm. Nếu thành lập vào 06 tháng cuối năm thì nộp 50% mức lệ phí môn bài của cả năm.

2. Thuế giá trị gia tăng

Theo quy định tại Điều 3, Điều 4 Luật Thuế GTGT quy định về đối tượng chịu thuế và người nộp thuế như sau:

“Điều 3. Đối tượng chịu thuế

Hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam là đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng, trừ các đối tượng quy định tại Điều 5 của Luật này.

Điều 4. Người nộp thuế

Người nộp thuế giá trị gia tăng là tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng (sau đây gọi là cơ sở kinh doanh) và tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa chịu thuế giá trị gia tăng (sau đây gọi là người nhập khẩu).”

Văn phòng đại diện không thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh mà chỉ mang tính chất đại diện cho doanh nghiệp thì không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT.

Việc kê khai các chi phí đầu vào phục vụ cho hoạt động của văn phòng đại diện được công ty kê khai và khấu trừ thuế GTGT đầu vào.

3. Thuế Thu nhập cá nhân 

Nếu văn phòng đại diện không trực tiếp ký hợp đồng lao động với người lao động và việc chi trả tiền lương cũng thông qua công ty thì văn phòng đại diện không phải kê khai nộp thuế thu nhập cá nhân cho nhân viên mà công ty sẽ có trách nhiệm khấu trừ, kê khai nộp thuế TNCN theo quy định.

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer