Chào luật sư, tôi muốn được tư vấn về vấn đề sau: Hôm qua bố mẹ tôi ở quê gọi điện thông báo là có nhận được giấy triệu tập của cơ quan công an yêu cầu tôi phải có mặt tại công an thành phố vào ngày 25/07/2021 tới đây để phối hợp điều tra về việc đánh bạc qua mạng. Tuy nhiên, hiện nay tôi đang bị cách ly ở trong Thành phố Hồ Chí Minh. Vậy nếu như tôi không thể có mặt theo giấy triệu tập thì có sao không? Mong được luật sư giải đáp.

Hình minh họa. Nguồn: Internet.

Trả lời:

Chào bạn. Cám ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Công ty Luật TNHH Sao Việt. Đối với vấn đề của bạn, chúng tôi sẽ tư vấn cho bạn như sau:

1. Căn cứ pháp lý:

  • Bộ luật hình sự năm 2015
  • Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2017.
  • Thông tư 01/2006/TT-BCA (C11)

2. Nội dung tư vấn:

Theo quy định tại khoản 1.4, mục 1 Thông tư 01/2006/TT-BCA (C11) thì Giấy triệu tập được xác định là một “biểu mẫu tố tụng hình sự, được sử dụng trong hoạt động tố tụng hình sự nên chỉ Cơ quan điều tra hoặc Cơ quan khác trong Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra mới được sử dụng”. Đồng thời, theo thông tư này thì Giấy triệu tập phải được sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng, đúng chức năng, đúng thẩm quyền.

Ngoài ra, theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự thì trong quá trình điều tra, giải quyết một vụ án hình sự, Cơ quan điều tra, cơ quan tiến hành một số hoạt động điều tra có quyền “Triệu tập và hỏi cung bị can; triệu tập và lấy lời khai người tố giác, báo tin về tội phạm, người bị tố giác, kiến nghị khởi tố, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân; lấy lời khai người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ; triệu tập và lấy lời khai của người làm chứng, bị hại, đương sự;” (điểm d khoản 1 Điều 37, khoản 2 Điều 39 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015).

Từ các quy định trên có thể thấy, Giấy triệu tập được xác định là một văn bản, biểu mẫu được ban hành và sử dụng trong thủ tục tố tụng, dành cho những người có liên quan đến những vụ việc đã và đang được giải quyết tại các cơ quan tố tụng như Cơ quan Điều tra, Viện kiểm sát, hoặc Tòa án. Mà trong hoạt động tố tụng hình sự, Giấy triệu tập được  áp dụng cho những người tham gia tố tụng như bị can; bị cáo; bị hại; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người làm chứng, người chứng kiến, người giám định, người phiên dịch, người dịch thuật.

Trường hợp này, khi nhận được giấy triệu tập thì tất cả những người bị triệu tập phải có nghĩa vụ có mặt theo nội dung giấy triệu tập (điểm a khoản 3, Điều 60, điểm a khoản 3 Điều 61, điểm a khoản 4 Điều 62, điểm a khoản 3 Điều 64, điểm a khoản 3 Điều 64; điểm a khoản 3 Điều 65, điểm a khoản 4 Điều 66... Bộ luật tố tụng hình sự”. Trường hợp những người nhận được giấy triệu tập nhưng không có mặt theo nội dung giấy triệu tập thì có thể bị dẫn giải hoặc áp giải theo quy định. Cụ thể Điều 127 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 có quy định:

Điều 127. Áp giải, dẫn giải

1. Áp giải có thể áp dụng đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị buộc tội.

2. Dẫn giải có thể áp dụng đối với:

a) Người làm chứng trong trường hợp họ không có mặt theo giấy triệu tập mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan;

b) Người bị hại trong trường hợp họ từ chối việc giám định theo quyết định trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan;

c) Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó liên quan đến hành vi phạm tội được khởi tố vụ án, đã được triệu tập mà vẫn vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan.”

Đồng thời, tại khoản 3 Điều 182 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 cũng qc “Bị can phải có mặt theo giấy triệu tập. Trường hợp vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan hoặc có biểu hiện trốn tránh thì Điều tra viên có thể ra quyết định áp giải”.

Như vậy, bạn chỉ bị triệu tập khi họ được xác định là “người tham gia tố tụng” trong một vụ án/vụ việc cụ thể. Trường hợp công dân không được xác định là “người tham gia tố tụng” thì cơ quan tiến hành tố tụng không đươc sử dụng giấy triệu tập, mà chỉ được sử dụng giấy mời. Đối với trường hợp bạn nhận được giấy mời làm việc thì bạn có thể lên hoặc không lên (không bắt buộc) vì hiện nay chưa có chế tài áp dụng đối với trường hợp này.

Đối với trường hợp của bạn, bạn có nghĩa vụ phải có mặt tại Cơ quan công an thành phố Hà Nội vào 25 tháng 7 năm 2021 theo nội dung thông tin Giấy triệu tập. Nhưng do bạn đang bị cách ly tại TPHCM, nên việc bạn vắng mặt được xác định là do “lý do bất khả kháng” và trở ngại khách quan. Bởi theo quy định tại khoản 3, 4 Điều 3 Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH ngày 21/12/2018 thì: Lý do bất khả kháng “là những viêc, tình huống, sự kiện xảy ra một cách khách quan, không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”; còn Trở ngại khách quan “là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ không thể biết về quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ của mình”.  Vì vậy, trường hợp này dù không thể có mặt theo đúng thời gian, địa điểm theo Giấy triệu tập thì bạn cũng không bị áp giải. Tuy nhiên để giải thích lý do cho việc vắng mặt của mình, bạn có thể thông qua gia đình hoặc bản thân có thể liên hệ với cơ quan công an để thông báo về lý do vắng mặt của mình.     

Như vậy, từ những căn cứ nêu trên có thể khẳng định, bạn sẽ không bị xử phạt, dẫn giải hay phải chịu trách nhiệm pháp lý về việc không thể có mặt theo giấy triệu tập trong trường hợp này.

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

                                                                          

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer