Chị Huyền (Hưng Yên): “Chào luật sư, tôi chuẩn bị thành lập một doanh nghiệp tư nhân nhưng chưa rõ pháp luật hiện nay có quy định như thế nào về con dấu của doanh nghiệp. Mong luật sư giải đáp giúp tôi. Tôi cảm ơn”.

Nguồn ảnh minh họa: Internet

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Luật Sao Việt. Đối với thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

Con dấu là đại diện pháp lý của tổ chức, có giá trị xác nhận các quyền và nghĩa vụ pháp lý được pháp luật công nhận. Căn cứ theo quy định tại Điều 43 Luật doanh nghiệp 2020 và Điều 12 Nghị định 65/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật doanh nghiệp 2014 có quy định về con dấu của doanh nghiệp như sau:

- Về việc quyết định đối với số lượng, hình thức, nội dung và mẫu con dấu, việc quản lý và sử dụng con dấu: Pháp luật doanh nghiệp hiện hành quy định chủ doanh nghiệp tư nhân đối với doanh nghiệp tư nhân quyết định số lượng, hình thức, nội dung và mẫu con dấu, việc quản lý và sử dụng con dấu. Nếu điều lệ công ty có quy định khác thì theo quy định tại Điều lệ công ty.

 Nội dung Điều lệ hoặc Quyết định về con dấu của doanh nghiệp phải bao gồm:

+ Mẫu con dấu, gồm: Hình thức, kích cỡ, nội dung, mầu mực dấu.

+ Số lượng con dấu.

+ Quy định về quản lý và sử dụng con dấu.

- Về hình thức mẫu con dấu: Pháp luật doanh nghiệp hiện hành quy định mẫu con dấu doanh nghiệp được thể hiện dưới một hình thức cụ thể (hình tròn, hình đa giác hoặc hình dạng khác). Mỗi doanh nghiệp có một mẫu con dấu thống nhất về nội dung, hình thức và kích thước.

- Về nội dung mẫu con dấu: Pháp luật doanh nghiệp hiện hành quy định nội dung con dấu phải thể hiện tên doanh nghiệp (Khoản 1 Điều 38 Luật doanh nghiệp 2014) và mã số doanh nghiệp (Điều 30 Luật doanh nghiệp 2014). Ngoài thông tin nêu trên, doanh nghiệp có thể bổ sung thêm ngôn ngữ, hình ảnh khác vào nội dung mẫu con dấu của doanh nghiệp, trừ việc sử dụng hình ảnh, từ ngữ, ký hiệu sau:

+ Quốc kỳ, Quốc huy, Đảng kỳ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

+ Hình ảnh, biểu tượng, tên của nhà nước, cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp.

+ Từ ngữ, ký hiệu và hình ảnh vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong, mỹ tục của dân tộc Việt Nam.

+ Hình ảnh, ký hiệu đã được Doanh nghiệp khác đăng ký sở hữu trí tuệ.

Về thông báo sử dụng mẫu con dấu: Pháp luật doanh nghiệp hiện hành quy định trước khi sử dụng, doanh nghiệp gửi thông báo về mẫu con dấu của doanh nghiệp đến Phòng Đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Sau khi nhận thông báo về mẫu con dấu, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận cho doanh nghiệp, thực hiện đăng tải thông báo của doanh nghiệp trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và cấp Thông báo về việc đăng tải thông tin về mẫu con dấu của doanh nghiệp.

- Về việc sử dụng mẫu con dấu: Con dấu được sử dụng trong các trường hợp theo quy định của pháp luật hoặc các bên giao dịch có thỏa thuận về việc sử dụng dấu.

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục có gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer