Văn phòng Thừa phát lại là tổ chức hành nghề của Thừa phát lại để thực hiện các công việc được giao theo quy định của Nghị định 08/2020/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại và pháp luật có liên quan.

Văn phòng Thừa phát lại do Thừa phát lại thành lập được tổ chức theo loại hình doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty hợp danh. Vậy trong quá trình hoạt động, Thừa phát lại có thể chuyển nhượng Văn phòng Thừa phát lại cho người khác hay không? Điều kiện và thủ tục chuyển nhượng như thế nào? Hãy cùng Luật Sao Việt tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Điều kiện chuyển nhượng Văn phòng Thừa phát lại

Điều kiện chuyển nhượng Văn phòng Thừa phát lại được quy định cụ thể tại khoản 1, khoản 2 Điều 28 Nghị định 08/2020/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại như sau:

– Văn phòng Thừa phát lại có thể được chuyển nhượng cho các Thừa phát lại khác đáp ứng các điều kiện dưới đây:

+ Cam kết hành nghề ít nhất 02 năm tại Văn phòng Thừa phát lại mà mình nhận chuyển nhượng, kế thừa quyền và nghĩa vụ của Văn phòng Thừa phát lại mà mình nhận chuyển nhượng;

+ Cam kết tiếp tục thực hiện đầy đủ các công việc theo hợp đồng, thỏa thuận giữa Văn phòng Thừa phát lại mà mình nhận chuyển nhượng với người yêu cầu, các cơ quan theo quy định của Nghị định 08/2020/NĐ-CP;

+ Không thuộc trường hợp đang bị tạm đình chỉ hành nghề Thừa phát lại quy định tại khoản 1 Điều 12 của Nghị định 08/2020/NĐ-CP tại thời điểm nhận chuyển nhượng.

– Văn phòng Thừa phát lại chỉ được chuyển nhượng khi đã hoạt động được ít nhất 02 năm, kể từ ngày được cấp Giấy đăng ký hoạt động.

Lưu ý: Thừa phát lại đã chuyển nhượng Văn phòng Thừa phát lại không được phép thành lập, tham gia thành lập Văn phòng Thừa phát lại mới trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày chuyển nhượng, nhưng được phép hành nghề Thừa phát lại theo chế độ hợp đồng lao động.

Hồ sơ chuyển nhượng Văn phòng Thừa phát lại

Theo quy định tại khoản 3 Điều 28 Nghị định 08/2020/NĐ-CP, hồ sơ chuyển nhượng Văn phòng Thừa phát lại bao gồm:

+ Đơn đề nghị chuyển nhượng Văn phòng Thừa phát lại theo mẫu tại Thông tư 05/2020/TT-BTP;

+ Hợp đồng chuyển nhượng có công chứng theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định;

+ Biên bản kiểm kê hồ sơ nghiệp vụ của Văn phòng được chuyển nhượng;

+ Bản sao có chứng thực hoặc bản chụp kèm bản chính Quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại Thừa phát lại của các Thừa phát lại nhận chuyển nhượng để đối chiếu;

+ Bản chính Quyết định cho phép thành lập và Giấy đăng ký hoạt động của Văn phòng Thừa phát lại được chuyển nhượng;

+ Bản kê khai thuế, báo cáo tài chính trong 02 năm gần nhất đã được kiểm toán của Văn phòng được chuyển nhượng;

+ Văn bản cam kết nội dung quy định tại điểm a, b khoản 2 Điều 28 Nghị định 08/2020/NĐ-CP.

Trình tự, thủ tục chuyển nhượng Văn phòng Thừa phát lại

Trình tự chuyển nhượng Văn phòng Thừa phát lại được quy định tại Điều 28 Nghị định 08/2020/NĐ-CP gồm các bước sau:

Bước 1: Nộp hồ sơ

Văn phòng Thừa phát lại có nhu cầu chuyển nhượng nộp 01 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 3 Điều 28 Nghị định 08/2020/NĐ-CP trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện đến Sở Tư pháp nơi đăng ký hoạt động.

Bước 2: Giải quyết hồ sơ

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định, Sở Tư pháp trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định cho phép chuyển nhượng Văn phòng Thừa phát lại; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản có nêu rõ lý do.

Bước 3: Ra quyết định

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Sở Tư pháp, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định cho phép chuyển nhượng Văn phòng Thừa phát lại; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Bước 4: Đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hoạt động

Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được Quyết định cho phép chuyển nhượng, Văn phòng Thừa phát lại phải đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hoạt động với Sở Tư pháp đã cấp Giấy đăng ký hoạt động cho Văn phòng Thừa phát lại được chuyển nhượng.

Hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hoạt động được lập thành 01 bộ bao gồm:

  • Đơn đề nghị thay đổi nội dung đăng ký hoạt động theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định;
  • Quyết định cho phép chuyển nhượng Văn phòng Thừa phát lại;
  • Giấy tờ chứng minh đã thực hiện nghĩa vụ thuế đối với việc chuyển nhượng Văn phòng Thừa phát lại;
  • Giấy tờ chứng minh về trụ sở của Văn phòng Thừa phát lại được chuyển nhượng (trong trường hợp thay đổi trụ sở);
  • Hồ sơ đăng ký hành nghề của các Thừa phát lại theo quy định tại khoản 1 Điều 15 của Nghị định 08/2020/NĐ-CP.

Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp cấp Giấy đăng ký hoạt động cho Văn phòng Thừa phát lại; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản có nêu rõ lý do.

Lưu ý: Trong thời gian làm thủ tục chuyển nhượng, Văn phòng Thừa phát lại được chuyển nhượng tiếp tục hoạt động cho đến khi được cấp lại Giấy đăng ký hoạt động

 

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt về vấn đề chuyển nhượng văn phòng thừa phát lại. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer