Phạm Quân Anh: Công ty tôi có người lao động nghỉ thai sản từ tháng 10/2020, tuy nhiên do sơ suất nên bộ phận nhân sự lại không báo giảm ngay với Cơ quan Bảo hiểm xã hội mà đến tháng 1/2021 mới báo giảm. Tôi muốn hỏi trường hợp như vậy có bị coi là báo giảm chậm hay không? Việc báo giảm như vậy có bị Cơ quan Bảo hiểm xã hội phạt truy thu không?

Ảnh minh họa: Internet

Trả lời:

Chào bạn. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

Các quy định liên quan đến bảo hiểm xã hội có ảnh hưởng không nhỏ đến người lao động cũng như người sử dụng lao động. Hiện nay, một trong những vướng mắc mà các doanh nghiệp thường gặp phải đó là việc báo giảm bảo hiểm xã hội và trách nhiệm của doanh nghiệp khi báo giảm chậm.

Thứ nhất, về việc báo giảm chậm:

Người sử dụng lao động có trách nhiệm báo giảm (bằng văn bản) với cơ quan bảo hiểm xã hội trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 98 Luật Bảo hiểm xã hội 2014:

- Doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động.

- Người lao động nghỉ ốm đau, thai sản trên 14 ngày trong tháng.

- Người lao động xin nghỉ không hưởng lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng.

- Người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động…

Khi có sự giảm lao động liên quan đến các trường hợp nêu trên, doanh nghiệp cần lập danh sách báo giảm gửi cơ quan BHXH ngay trong tháng (tính đến ngày cuối cùng của tháng). Nếu báo giảm sau ngày cuối cùng của tháng thì được coi là báo giảm chậm. Trường hợp công ty của bạn có người lao động nghỉ thai sản từ tháng 10/2020, nhưng đến tháng 1/2021, công ty mới báo giảm với cơ quan bảo hiểm xã hội, thì việc công ty bạn báo giảm sau ngày cuối cùng của tháng 10/2020 thuộc trường hợp báo giảm chậm.

Thứ hai, vấn đề truy thu do báo giảm chậm:

Căn cứ theo Mục 2.4 Khoản 2 Điều 2 Quyết định 595/QĐ-BHXH, khái niệm truy thu được hiểu là: “việc cơ quan BHXH thu khoản tiền phải đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN của trường hợp trốn đóng, đóng không đủ số người thuộc diện bắt buộc tham gia, đóng không đủ số tiền phải đóng theo quy định, chiếm dụng tiền đóng, hưởng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN.”

Như vậy, truy thu chỉ đặt ra trong các trường hợp doanh nghiệp trốn đóng, đóng không đủ tiền phải đóng, đóng không đủ số người thuộc diện bắt buộc tham gia, hay chiếm dụng tiền đóng, hưởng bảo hiểm…Còn công ty bạn thực hiện báo giảm chậm với cơ quan bảo hiểm xã hội thì không thuộc các trường hợp bị truy thu theo quy định trên. Tuy nhiên đơn vị của bạn có trách nhiệm phải đóng số tiền BHYT của các tháng báo giảm chậm và thẻ BHYT có giá trị sử dụng đến hết các tháng đó theo quy định tại điểm a Khoản 2 Điều 50 Quyết định 595/QĐ-BHXH:

“a) Thực hiện lập, nộp hồ sơ; trích nộp tiền BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN theo đúng quy trình, quy định tại Văn bản này và quy định của pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN. Trường hợp đơn vị lập danh sách báo giảm chậm, đơn vị phải đóng số tiền BHYT của các tháng báo giảm chậm và thẻ BHYT có giá trị sử dụng đến hết các tháng đó.”

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer