Tôi thấy trên Facebook có nhiều người nhận thế chấp, cầm cố sổ bảo hiểm xã hội. Vậy theo quy định pháp luật, người lao động có được cầm cố sổ bảo hiểm xã hội không? Cầm cố sổ bảo hiểm xã hội tiềm ẩn những rủi ro gì? Mong Luật Sao Việt giải đáp giúp. Tôi xin cảm ơn!

Ảnh minh họa: Internet

Trả lời:

Chào bạn. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

Thứ nhất sổ bảo hiểm xã hội không được coi là tài sản nên không có giá trị cầm cố hay thế chấp

Cầm cố, thế chấp là một trong số những biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ được quy định tại Bộ luật dân sự 2015, theo đó đối tượng cầm cố, thế chấp phải là tài sản thuộc sở hữu cá nhân bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Hơn nữa theo hướng dẫn tại Công văn số 141/TANDTC-KHXX ngày 21/9/2011 của Tòa án nhân dân tối cao về giấy tờ có giá và Quyết định 1035/QĐ-BHXH năm 2015 thì:

+ Sổ bảo hiểm xã hội được cấp cho người tham gia để theo dõi việc đóng, hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và là cơ sở để giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật.

+ Người tham gia được cấp và bảo quản một sổ bảo hiểm xã hội duy nhất. Cơ quan bảo hiểm xã hội quản lý sổ bảo hiểm xã hội khi người tham gia hưởng chế độ hưu trí, tử tuất.

+ Không được sửa chữa, tẩy xóa làm sai lệch nội dung ghi trên sổ bảo hiểm xã hội. Trường hợp sổ bảo hiểm xã hội bị mất, hỏng phải thông báo kịp thời với cơ quan Bảo hiểm xã hội để xem xét cấp lại.

Từ những quy định nêu trên có thể thấy sổ bảo hiểm không được coi là giấy tờ có giá hay tài sản nên không có giá trị cầm cố, thế chấp. Tuy nhiên trên thực tế nhiều người vẫn nhận cầm cố, thế chấp sổ bảo hiểm dưới nhiều hình thức tinh vi. Để tạo vỏ bọc nhằm hợp thức hóa việc mua bán, cầm cố, thế chấp sổ bảo hiểm xã hội và qua mắt cán bộ bảo hiểm xã hội, các đối tượng thường sử dụng chiêu thức: cá nhân có sổ bảo hiểm thực hiện ủy quyền bằng văn bản cho người mua hoặc bên nhận cầm cố. Sau đó, bên nhận cầm cố sẽ làm thủ tục hưởng bảo hiểm xã hội một lần, còn bên cầm cố sẽ được nhận một khoản tiền theo thỏa thuận. Để tiếp tục được tham gia BHXH và hưởng các quyền lợi, người lao động sau khi bán, cầm cố sổ bảo hiểm buộc phải viện lý do sổ bảo hiểm mất, hỏng để xin cấp lại.

Thứ hai, trách nhiệm pháp lý đối với người cầm cố sổ bảo hiểm xã hội:

Việc cầm cố sổ bảo hiểm xã hội không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến các chế độ, quyền lợi của NLĐ mà còn kéo theo nguy cơ vi phạm pháp luật. Tùy theo tính chất, mức độ, cá nhân thực hiện hành vi cầm cố, mua bán sổ bảo hiểm xã hội rồi gian lận bằng việc kê khai không đúng sự thật để xin cấp lại sổ có thể bị xử phạt hành chính, nghiêm trọng hơn, cá nhân sẽ bị truy cứu TNHS về Tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

Trách nhiệm hành chính:

Người vi phạm quy định về lập hồ sơ để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp sẽ bị xử phạt đến 2 triệu đồng theo Điều 39 Nghị định 28/2020/NĐ-CP ( áp dụng từ ngày 15/4/2020 ) cụ thể:

“Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người lao động có một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Kê khai không đúng sự thật hoặc sửa chữa, tẩy xóa làm sai sự thật những nội dung có liên quan đến việc hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;…”

Trách nhiệm Hình sự : người vi phạm bị truy cứu TNHS về Tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Điều 214 BLHS 2015 nếu:

“1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 20.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng mà không thuộc trường hợp quy định tại một trong các điều 174, 353 và 355 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Lập hồ sơ giả hoặc làm sai lệch nội dung hồ sơ bảo hiểm xã hội, hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp lừa dối cơ quan bảo hiểm xã hội;

b) Dùng hồ sơ giả hoặc hồ sơ đã bị làm sai lệch nội dung lừa dối cơ quan bảo hiểm xã hội hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp”

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer