Bất Cập Trong Thi Hành Án Phạt Tù Trên Thực Tế
Hình phạt tù là hình phạt tước quyền tự do của con người, buộc người chấp hành án phải cách li khỏi cuộc sống bình thường của xã hội và sống trong môi trường riêng biệt có sự kiểm sát chặt chẽ đó là trại giam. Thời hạn của hình phạt sẽ phụ thuộc vào bản án mà Tòa án tuyên đối với người bị kết án về tội phạm hay về hành vi nguy hiểm mà người bị kết án đã thực hiện.
Đây là hình phạt được áp dụng khá phổ biến trên thực tiễn, mục đích của hình phạt này ngoài việc mang tính trừng phạt thích đáng đối với các tội phạm còn là hình phạt giúp người thực hiện tội phạm được giáo dục, cải tạo, ngăn ngừa họ tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội, đe dọa đến các mối quan hệ xã hội khác.
Khi người bị kết án bị áp dụng hình phạt này hay chấp hành án phạt tù, người thực hiện tội phạm trở thành phạm nhân và được quản lí chặt chẽ tại các trại giam. Tuy nhiên, thành phần trong trại giam ngoài cán bộ có trách nhiệm quản lí, thực hiện nhiệm vụ do cơ quan chức năng giao thì phần lớn còn lại là các tội phạm, bao gồm cả tội phạm ít nghiêm trọng đến đặc biệt nghiêm trọng, vì vậy mà việc quản lí để đảm bảo trật tự cũng như quyền lợi của người thi hành án trong trại giam là một vấn đề cần phải được chú trọng.
Thời gian vừa rồi đã có một trường hợp tạo nên một làn sóng dư luận về vấn đề quản lí phạm nhân trong trại giam, đó là vụ án của phạm nhân Nguyễn Q.L tại nhà tạm giữ Huyện Châu Đức thuộc tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu vào hồi tháng 5 vừa qua. Anh L bị bạn tù là Lê Hoàng Quang đánh chết trong quá trình đang chấp hành án phạt tù 06 tháng về tội đánh bạc, Q kể lại do mâu thuẫn với anh L cho nên đã ăn trộm cây gậy ba trắc trong buồng quản lí phạm nhân để làm hung khí đánh anh L.
Sau vụ việc đó, dư luận đã đặt ra nhiều nghi vấn xoay quanh vụ án, có một số ý kiến đặt ra nghi vấn về việc tại sao anh Q lại có thể lấy được cây gậy ba trắc trong buồng quản lí phạm và giấu mang vào buồng giam được. Nghi vấn đó là hoàn toàn có căn cứ bởi vì môi trường trại giam luôn là một môi trường được quản lí đặc biệt, từ các vật dụng rất nhỏ, theo như thông tin cơ quan điều tra cung cấp cho báo chí cùng người nhà nạn nhân thì anh Q lấy trộm.
Chúng ta không nên lạm dụng việc truy cứu trách nhiệm hình sự, ngay cả pháp luật cũng có nguyên tắc hướng đến việc bảo vệ quyền lợi cho người thực hiện tội phạm, tuy nhiên đối với những sai phạm trong quá trình quản lí việc chấp hành án phạt tù ở đây thì có hay không nên xử lí mạnh tay hơn? Việc phạm nhân bị bạn tù đánh chết hay bị đánh gây thương tích nặng đã không còn là chuyện hiếm gặp. Khi một phạm nhân đi chấp hành án phạt tù, họ là những đối tượng đang phải chịu sự trừng phạt cho hành vi vi phạm pháp luật mà họ thực hiện, trong quá trình chấp hành án họ còn trải qua hình phạt của bản án lương tâm, phải cải tạo từ tư duy đến đạo đức theo một chuẩn mực mới để thay đổi và đó cũng là hi vọng của chính những người thân của họ. Nhưng những vụ việc xảy ra đó đã tạo ra một tâm lí cũng như một cái nhìn không tốt về nơi gọi là trại giam đó, sau những vụ việc đó, người nhà của các phạm nhân sẽ luôn sống trong lo sợ, lo vì người thân của mình liệu có bị đánh rồi liệu có trở thành nạn nhân của sự việc tương tự sẽ xảy ra hay không.
Vì lo sợ trước những điều đó mà nảy sinh ra một nhu cầu đó là nhu cầu chạy án, “có cầu thì sẽ có cung” đó là quy luật, họ sẽ tìm cách để có thể thoát tội cho người thân của mình vì họ đã mất lòng tin vào việc người phạm tội có thể cải tạo tốt để trở lại với cuộc sống bình thường để làm những việc có ích mà đối với họ trại giam bây giờ là địa ngục trần gian nhưng theo lý thuyết thì đó lại nơi cách li phạm nhân giúp họ không thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội và cải tạo, tu dưỡng đạo đức.
Vậy trách nhiệm sau mỗi vụ việc đó thuộc về ai? Nguyên nhân nào dẫn đến việc xảy ra những sự kiện đáng trách đó. Điều đầu tiên phải nhắc đến đó là trách nhiệm của những cán bộ chịu trách nhiệm quản lí, trông coi phạm nhân. Như trong vụ việc trên, nếu như không lơ đãng, thiếu tập trung trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giám sát, quản lí phạm nhân thì liệu anh Q có thể ăn trộm được cây gậy ba trắc đó để biến nó thành hung khí gây án hay không, và xảy ra hành vi hành hung đó cũng sẽ không thể diễn ra đủ lâu để anh L thiệt mạng,
Nguyên nhân tiếp theo đó là việc giáo dục để phạm nhân có sự thay đổi về đạo đức là chưa toàn diện và còn thiếu hiệu quả, anh Q là người chấp hành án phạt tù về tội danh vi phạm quy định an toàn giao thông dẫn đến hậu quả chết người, chịu mức án 3 năm tù, tuy nhiên cải tạo gần ngày được tự do mà bản tính côn đồ dã man trong con người đấy vẫn không hề giảm đi mà thậm chí còn tăng lên, do việc sắp xếp phân loại phạm nhân và cách giáo dục đối với phạm nhân chưa mang lại hiệu quả và còn khá nhiều hạn chế.
Và một nguyên nhân sâu xa bên cạnh đó là bản án của Tòa án tuyên liệu chưa thực sự đạt hiệu quả và xác thực với tính chất của loại tội phạm. Một lần nữa nhìn lại vụ việc trên, anh Quang đã chấp hành gần hết thời hạn án phạt tù, theo đúng kế hoạch sẽ được tha tù vào tháng 9 nhưng gần lúc ra tù bản chất và đạo đức của anh Quang thực sự không hề có chuyển biến mà nếu có thì là chuyển biến theo chiều hướng tiêu cực, máu lạnh và côn đồ. Như vậy với tội danh ban đầu cũng đã gây ra cái chết cho một người với mức án phạt như vậy không hề mang lại hiệu quả cải tạo hay giáo dục cho anh Quang.
Để khắc phục được bất cập đó, tạo dựng được lòng tin của nhân dân vào hệ thống pháp luật và để kết quả của hoạt động thi hành án phạt tù được nâng cao, trừng phạt ren đe nhưng cũng cần phải giáo dục giúp đỡ để người bị kết án có cơ hội được sống và làm lại cuộc đời, sửa đổi những lỗi lầm mình đã gây ra thì cần phải có những biện pháp sửa đổi từ quy định đến thực hiện các quy đinh đó áp dụng nó vào thực tiễn. Cần phải có sự đầu tư để nâng cao chuyên môn, trình độ của đội ngũ cán bộ quản lí phạm nhận nhưng cũng cần nâng cao tinh thần trách nhiệm đối với công việc của mỗi cá nhân cán bộ trại giam; Nghiêm chỉnh xử phạt với mọi hành vi vi phạm quy định của trại giam, vì đó là môi trường đặc thù nên cũng cần phải đề ra những biện pháp đặc thù điều chỉnh và tạo ra chuẩn mực đặc biệt đối với mỗi chủ thể trong đó; Cần có những biện pháp nâng cao hiệu quả xét xử, những bản án cần có sự phù hợp với mỗi tội danh.
Phương pháp mệnh lệnh, bắt buộc phải thực hiện nghĩa vụ trong thi hành án có ý nghĩa rất qua trọng, vì vậy để bảo đảm cho các cơ quan thi hành án hoàn thành tốt nhiệm vụ thì cần có sự quan tâm đầu tư đúng mức để bảo đảm cho nó có đủ năng lực, sức mạnh và phương tiện để thực thi nhiệm vụ. Cần có mô hình tổ chức thi hành án phù hợp, đồng bộ đồng thời cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tham gia vào quá trình thi hành án. Cần phải xác định rõ những đặc trưng chung và riêng của các loại hình thi hành án và có những giải pháp phù hợp để nâng cao chất lượng của thi hành án nói chung và mỗi loại hình thi hành án nói riêng.