1. Căn cứ pháp lý:

- Luật Bảo hiểm xã hội 2014;

- Nghị định 28/2020/NĐ-CP;

- Quyết định 595/QĐ-BHXH 2017;

2. Những trường hợp doanh nghiệp phải báo tăng/giảm lao động?

Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 98 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản với cơ quan bảo hiểm xã hội khi có thay đổi thông tin tham gia bảo hiểm xã hội trong các trường hợp như sau: Tăng/giảm lao động đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Cụ thể:

a) Tăng lao động

Tăng lao động đóng BHXH, BHYT, BHTN được hiểu là tăng số lượng người lao động tham gia đóng BHXH, BHYT, BHTN. Ví dụ:

- DN giao kết hợp đồng lao động với người lao động

- Người lao động đi làm sau khi nghỉ thai sản, nghỉ ốm đi làm lại;

- Người lao động hết thời hạn được tạm ngừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất;

- Người lao động xin nghỉ không lương từ 14 ngày trở lên đi làm trở lại;

- Người lao động hết thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng đi làm trở lại, .v.v..

b) Giảm lao động

Giảm lao động đóng BHXH, BHYT, BHTN được hiểu là giảm số lượng người lao động tham gia đóng BHXH, BHYT, BHTN. Ví dụ:

- DN chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động;

- Người lao động nghỉ ốm đau, thai sản trên 14 ngày;

- DN được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất;

- Người lao động xin nghỉ không hưởng lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng;

- Tạm hoãn thực hiện Hợp đồng; , .v.v..

3. Thời hạn báo tăng/giảm lao động

a) Trường hợp tăng lao động

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc tuyển dụng, người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản và tiến hành đăng ký điều chỉnh với cơ quan BHXH.

b) Trường hợp giảm lao động

Doanh nghiệp có thể thực hiện mỗi tháng một lần.

4.  Hậu quả pháp lý khi chậm báo tăng/giảm lao động

a) Chậm báo tăng lao động

Căn cứ quy định tại Khoản 4 Điều 38 Nghị định 28/2020/NĐ-CP thì Người sử dụng lao động sẽ bị phạt tiền từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc, BHTN tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng khi có hành vi sau:

- Chậm đóng BHXH bắt buộc, BHTN;

- Đóng BHXH, BHTN không đủ số người thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, BHTN mà không phải là trốn đóng.

Đây là mức phạt tiền được áp dụng đối với người sử dụng lao động là cá nhân, đối với DN vi phạm sẽ bị áp dụng mức phạt gấp đôi mức phạt nêu trên (tối đa không quá 150.000.000 đồng), theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định 28/2020/NĐ-CP.

Ngoài ra, DN còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp số tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng, không đóng, trốn đóng.

b) Chậm báo giảm lao động

Căn cứ Điểm 2.1 Khoản 2 Điều 50 Quyết định 595/QĐ-BHXH và tham khảo Điểm 9.6 Mục 9, Điểm 10 Mục 10.3 Công văn 1734/BHXH-QLT năm 2017 thì:

- Trường hợp DN báo giảm sau ngày cuối cùng của tháng giảm thì được xem là báo giảm lao động chậm. Doanh nghiệp phải đóng hết giá trị thẻ BHYT của tháng kế tiếp và thẻ có giá trị sử dụng hết tháng đó. Cơ quan BHXH không thu hồi thẻ các trường hợp báo giảm.

- Trường hợp để KHÔNG đóng bổ sung giá trị thẻ tháng sau thì DN có thể lập hồ sơ báo giảm tháng sau bắt đầu từ ngày 28 tháng trước, nhưng sau khi báo giảm thì không được báo phát sinh tháng trước.

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer