Minh An: Chào Luật sư, vừa qua em có biết vụ việc Tổng Cục quản lý thị trường phối hợp với Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động và Cục A05, Bộ Công An đã tấn công vào một kho hàng lậu hơn 10.000m2 có địa chỉ tại 145 Hoàng Diệu, TP Lào Cai. Kho hàng này do Trần Thành Phú (28 tuổi, thường trú tại phường Lào Cai, TP Lào Cai) đứng tên làm chủ.Tại thời điểm kiểm tra, có 3 nhân viên được thuê để thay nhau livestream trên các tài khoản Facebook. Bên trong kho hàng rộng khoảng 10.000m2 chứa hàng trăm nghìn mặt hàng gồm giày, dép, đồng hồ, túi xách... không rõ nguồn gốc xuất xứ, thậm chí còn giả mạo nhãn hiệu của các hãng lớn như Nike, Adidas, LV, Chanel, Gucci....
Cho em hỏi với những trường hợp này thì bị xử lí như thế nào?
Nguồn ảnh: Internet
Trả lời:
Cảm ơn bạn Minh An đã gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:
Người tiêu dùng luôn luôn mong muốn sẽ sở hữu một sản phẩm thời trang đáp ứng cho họ đủ 3 tiêu chí đó chính là: rẻ-đẹp-bền. Chính vì nắm được tâm lý này của người tiêu dùng nên việc sao chép thiết kế thời trang hay gắn giả nhãn mác để bán với giá rẻ hay còn gọi là hàng fake rất phổ biến tại Việt Nam. Không khó để bắt gặp những sản phẩm đạo nhái từ các nhãn hiệu thời trang nổi tiếng như Adidas, Gucci, Nike, Chanel,...được bày bán tràn lan trên thị trường.
Trên phương diện pháp luật, hành vi như vậy là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định tại Điều 213 Luật sở hữu trí tuệ:
“Điều 213. Hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ
1. Hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này bao gồm hàng hoá giả mạo nhãn hiệu và giả mạo chỉ dẫn địa lý (sau đây gọi là hàng hoá giả mạo nhãn hiệu) quy định tại khoản 2 Điều này và hàng hoá sao chép lậu quy định tại khoản 3 Điều này.
2. Hàng hoá giả mạo nhãn hiệu là hàng hoá, bao bì của hàng hoá có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý.”
Mặt khác, tại khoản 7 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định hàng giả gồm: Hàng hóa có nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu, phân phối hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã số công bố, mã số mã vạch của hàng hóa hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của tổ chức, cá nhân khác; giả mạo về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa hoặc nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa;
Pháp luật nước ta nghiêm cấm các hành vi mua bán, sản xuất hàng giả, hàng nhái dưới mọi hình thức để bảo vệ quyền lợi cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh hợp pháp. Căn cứ và tính chất, mức độ của hành vi mà có thể bị xử phạt hành chính hay phải truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đối với trường hợp nêu trên theo quy định tại Điều 11 Nghị định 98/2020/NĐ-CP thì tùy vào giá trị thực tế của hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật mà người thực hiện hành vi vi phạm có thể bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Hình thức xử phạt và các biện pháp khắc phục hậu quả cũng được quy định tại điều 214 của Luật sở hữu trí tuệ, theo đó:
Tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị buộc phải chấm dứt hành vi xâm phạm và bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt chính sau đây:
- Cảnh cáo;
- Phạt tiền. (Mức tiền phạt được ấn định ít nhất bằng giá trị hàng hoá vi phạm đã phát hiện được và nhiều nhất không vượt quá năm lần giá trị hàng hoá vi phạm đã phát hiện được.)
Tuỳ theo tính chất, mức độ xâm phạm, tổ chức, cá nhân xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung hoặc các biện pháp khắc phục hậu quả như:
- Tịch thu hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ.
- Đình chỉ có thời hạn hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực đã xảy ra vi phạm.
- Buộc tiêu huỷ hoặc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ;
- Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam đối với hàng hoá quá cảnh xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc buộc tái xuất đối với hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ, phương tiện, nguyên liệu, vật liệu nhập khẩu được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ sau khi đã loại bỏ các yếu tố vi phạm trên hàng hoá.
Ngoài ra, điều 212 Luật sở hữu trí tuệ cũng có quy định cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hình sự. Cụ thể:
Trường hợp mua bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 193, 194 và 195 Bộ luật hình sự 2015, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội sản xuất, buôn bán hàng giả được quy định tại Điều 192 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi 2017):
- Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng hoặc dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều 192 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi 2017) hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật hình sự 2015 hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
- Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
- Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
Tùy vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội mà người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 15 năm.
Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com