Chào luật sư, em muốn hỏi về một việc như sau: Hôm nay em có cùng một người bạn đi xem phim Tàu Ngầm sắt màu đen - Thám tử lừng danh Conan ở một rạp chiếu phim trong Trung tâm thương mại. Lúc hết phim, rạp mở đèn rồi chiếu đoạn nhạc kết phim, ai cũng giơ điện thoại lên chụp check in. Em và bạn em cũng đứng chụp để đăng lên facebook và chụp luôn cả phần after credit và phần after credit Scene.

Tuy nhiên, lúc này lại có nhân viên rạp chiếu phim đến nhắc nhở quy định không được quay phim chụp ảnh, yêu cầu xóa hết hình ảnh về bộ phim mà em vừa chụp. Em nghĩ đây là phần phụ của phim, rất nhiều người bỏ về không xem, đèn cũng bật rồi nên em nghĩ là không bị hạn chế việc chụp ảnh mới đúng. Vậy xin hỏi trường hợp này nhân viên rạp chiếu phim yêu cầu như vậy có đúng không? Và ra pháp luật thì việc quay lại phim trong rạp có thể bị xử lý thế nào? Mong được Luật sư giải đáp!

Trả lời

Chào bạn, cám ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Công ty Luật TNHH Sao Việt. Về vấn đề của bạn, chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:

  1. Về căn cứ pháp lý
  • Luật sở hữu trí tuệ năm 2005
  • Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ năm 2022
  • Nghị định 131/2013/NĐ-CP
  • Nghị định 28/2017/NĐ-CP
  • Bộ luật hình sự năm 2015
  • Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2017.,
  1. Nội dung tư vấn

Để xác định trường hợp của bạn có vi phạm pháp luật hay không, trước hết cần làm rõ một số khái niệm sau đây:

+ After credit (phần hậu đề) được hiểu là phần chữ chạy ở cuối bộ phim hoặc chương trình truyền hình. Đây là danh sách tên của những người và tổ chức đã góp phần tạo ra tác phẩm đó như nhà sản xuất, đạo diễn, biên kịch, diễn viên.

+ Còn after credit Scene được dùng để chỉ đoạn video ngắn xuất hiện sau khi hết phần chạy chữ, thường là để thêm một phân đoạn hài hước, hoặc bổ sung đoạn kết phim hoặc là để gợi mở thông tin của phần tiếp theo

=>> 2 phân đoạn này đều là một phần của bộ phim/ chương trình được trình chiếu.

Dưới góc độ pháp lý, Việc quay chụp những phần nội dung trên sau khi xem phim, dù vì mục đích gì thì nó cũng được xem là hành vi sao chép tác phẩm điện ảnh.

Theo đó, “Sao chép là việc tạo ra bản sao của toàn bộ hoặc một phần tác phẩm hoặc bản ghi âm, ghi hình bằng bất kỳ phường tiện hay hình thức nào” - khoản 10 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 được sửa đổi bổ sung 2022.. Hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả được xác định là hành vi xâm phạm quyền tài sản, quyền tác giả được quy định tại Điều 20 Luật sở hữu trí tuệ ngoại trừ các trường hợp sau đây, việc sao chép không cần xin phép và không bị coi là xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, cụ thể gồm:

(1) Tự sao chép một bản để nghiên cứu khoa học, học tập của cá nhân vả không nhằm mục đích thương mại. Quy định này không áp dụng với trường hợp sao chép bằng thiết bị sao chép;

(2) Sao chép hợp lý một phần tác phẩm bằng thiết bị sao chép để nghiên cứu khoa học, học tập của cá nhân và không nhằm mục đích thương mại;

(3) sao chép bằng cách đăng tải lại trên báo, ấn phẩm định kỳ, phát sóng hoặc các hình thức truyền thông khác tới công chúng bài giảng, bài phát biểu, bài nói khác được trình bày trước công chúng trong phạm vi phù hợp với mục đích thông tin thời sự, trừ trường hợp tác giả tuyên bố giữ bản quyền…

(Điều 25 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi 2022)

Trên thực tế, hiện nay, tất cả các rạp chiếu phim đều có quy định về việc không được phép quay phim, chụp ảnh, livestream phát tán nội dung điện ảnh dưới mọi hình thức. Do vậy, khi bạn cố tình quay chụp về bộ phim (cho dù chỉ là phần “after credit” hay phần “after credit scene”) nhằm phát tán lên mạng xã hội là đã vi phạm quy định của rạp chiếu phim, vì vậy nên việc nhân viên rạp chiếu phim nhắc nhở, muốn bạn xóa tất cả hình ảnh đã quay chụp là hoàn toàn hợp lý.

Kết luận: Với trường hợp của bạn, bạn quay chụp lại phần “after credit” và phần “after credit Scene” của bộ phim nhằm check in, đăng facebook khoe với bạn bè là đã sao chép 1 phần tác phẩm điện ảnh, hơn nữa việc sao chép để đăng lên facebook (là hành vi công bố tác phẩm) mà không được sự cho phép của chủ sở hữu, cũng không thuộc các trường hợp được sao chép theo quy định nêu trên, do đó, hành vi của bạn được xác định là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

Về trách nhiệm pháp lý: Tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả xảy ra, quy định của rạp chiếu phim, bạn có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 27 Nghị định 131/2013/NĐ-CP (sửa đổi bởi khoản 2 Điều 3 Nghị định 28/2017/NĐ-CP) với mức phạt từ 15 triệu đồng – 35 triệu đồng, theo đó:

“Điều 27. Hành vi xâm phạm quyền sao chép bản ghi âm, ghi hình

1. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi sao chép bản ghi âm, ghi hình mà không được phép của chủ sở hữu quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc dỡ bỏ bản sao bản ghi âm, ghi hình dưới hình thức điện tử, trên môi trường mạng và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này.”

   Ở mức độ nghiêm trọng hơn, hành vi sao chép một phần/ toàn bộ tác phẩm điện ảnh không có sự cho phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả còn có thể bị xem xét xử lý hình sự về Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan theo khoản 1 Điều 225 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bởi điểm a khoản 52 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2017 theo đó:

Điều 225. Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan

  1. Người nào không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan mà cố ý thực hiện một trong các hành vi sau đây, xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng thì bị phạt tiền từ 50.000.000  đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
  1. Sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình.
  2. Phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình
  1. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm

     ….”

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer