Hiện nay, trào lưu review tóm tắt phim đang rất thịnh hành trên các trang mạng xã hội, không khó để bắt gặp những video tóm tắt phim trên facebook, Youtube hay Tiktok. Các video tóm tắt phim này rất hút người xem khiến nó nhanh chóng trở thành trào lưu cực thịnh. Với lượng người xem cực lớn, các kênh review phim thu được khoản tiền lớn từ các nhãn hàng booking quảng cáo hoặc từ chính nền tảng Facebook và YouTube. Tuy nhiên, hành vi review phim xâm phạm nghiêm trọng đến quyền tác giả và gây tổn hại lớn đến doanh thu của các nhà sản xuất phim. Review phim khi không có sự đồng ý của tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự tùy vào mức độ vi phạm.

“Biến tướng” của hình thức review phim

Review dịch sang tiếng Việt có nghĩa là đánh giá. Review phim có nghĩa là đánh giá phim. Thực chất, việc review phim chỉ là cung cấp thông tin về bộ phim như tác giả, diễn viên chính, nội dung cơ bản để những người quan tâm được biết, qua đó, người review nêu quan điểm cá nhân về bộ phim như nội dung có hấp dẫn hay không, diễn viên có tròn vai hay không, bối cảnh câu chuyện, hiệu ứng hình ảnh, âm thanh phim có xứng đáng với kỳ vọng hay không. Việc review phim nhằm mục đích giới thiệu đến những người đang quan tâm, giúp họ có thêm thông tin để cân nhắc có nên xem bộ phim đó hay không. Nội dung review không bao gồm việc tiết lộ nội dung bộ phim, nếu có thì chỉ nêu vài tình tiết ấn tượng chứ không tiết lộ toàn bộ nội dung. Việc review phim tương tự như những nhà phê bình phim, chỉ là ở mức độ “nghiệp dư” hơn.

Tuy nhiên, việc review phim hiện nay đã biến tướng thành hình thức tóm tắt nội dung phim thông qua những hình ảnh, đoạn phim được cắt ghép và nêu gọn nội dung bằng thuyết minh. Những clip review phim thường chỉ dài từ 3-10 phút, tóm lược và tiết lộ đầy đủ về nội dung bộ phim. Thậm chí có những video review phim còn không cung cấp chính xác nội dung bộ phim mà làm sai lệch nghiêm trọng ý nghĩa mà bộ phim muốn truyền tải, gây ảnh hưởng đến danh dự và quyền lợi hợp pháp của tác giả, đạo diễn và diễn viên đóng bộ phim đó. 

Tác động xấu của trào lưu review phim còn nghiêm trọng ở chỗ, các video này rất hút người xem, đặc biệt là ở các video tóm tắt các bộ phim bom tấn ăn khách. Lượng người xem càng tăng càng khiến cho các clip review được nền tảng Facebook và YouTube đề xuất tiếp cận nhiều người hơn. Thay vì mất tiền ra rạp hay mất thời gian ngồi xem toàn bộ bộ phim, giờ đây người xem chỉ cần bỏ ra vài ba phút là có thể biết toàn bộ nội dung bộ phim mà mình muốn. Những clip review phim được ví như “mì ăn liền”, giải quyết ngay lập tức ham muốn của một bộ phận khán giả muốn biết nội dung phim nhưng đối với nhà sản xuất, nó sẽ gây thiệt hại lớn cho họ khi đã bỏ công sức chau chuốt, xây dựng bộ phim nhưng không thu về doanh thu phòng vé. Về lâu dài, trào lưu tóm tắt nội dung phim sẽ trở thành liều thuốc độc giết chết nền điện ảnh.

Tóm tắt - review phim là hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ

Theo định nghĩa tại khoản 8 Điều 4 Luật SHTT sửa đổi 2022: "8. Tác phẩm phái sinh là tác phẩm được sáng tạo trên cơ sở một hoặc nhiều tác phẩm đã có thông qua việc dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, phóng tác, biên soạn, chú giải, tuyển chọn, cải biên, chuyển thể nhạc và các chuyển thể khác".

Theo quy định mới này, các video tóm tắt, review phim được xem là tác phẩm phái sinh. Theo điểm a khoản 1 Điều 20 của Luật SHTT, quyền làm tác phẩm phái sinh là một trong những quyền thuộc quyền tài sản do tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện. Tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng quyền làm tác phẩm phái sinh phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả.

Đồng thời, theo khoản 7, 8 Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ, một trong các hành vi xâm phạm quyền tác giả có bao gồm:

- Làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh, trừ trường hợp trường hợp chuyển tác phẩm sang chữ nổi hoặc ngôn ngữ khác cho người khiếm thị;

- Sử dụng tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, không trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp trường hợp chuyển tác phẩm sang chữ nổi hoặc ngôn ngữ khác cho người khiếm thị.

Như vậy, ngoại trừ trường hợp chuyển tác phẩm sang chữ nổi hoặc ngôn ngữ khác cho người khiếm thị, thì việc làm tác phẩm phái sinh luôn phải được sự cho phép của tác giả/chủ sở hữu tác phẩm gốc.

Do đó, hành vi review, tóm tắt phim tiết lộ toàn bộ hoặc từng phần nội dung bộ phim là hành vi xâm phạm bản quyền tác giả, quyền chủ sở hữu quyền tác giả. Tùy thuộc vào mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức làm review phim có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự theo quy định.

Xử phạt vi phạm hành chính

Theo Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan, hành vi xâm phạm quyền làm tác phẩm phái sinh được quy định như sau:

Điều 12. Hành vi xâm phạm quyền làm tác phẩm phái sinh

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường Internet và kỹ thuật số đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này.”

Ngoài ra, nếu tự ý sửa chữa, cắt xén tác phẩm gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả thì người vi phạm có thể bị xử lý về hành vi Hành vi xâm phạm quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm theo quy định tại Điều 10 Nghị định nêu trên. Trong đó:

1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi tự ý sửa chữa, cắt xén tác phẩm gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi xuyên tạc tác phẩm gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc cải chính công khai trên phương tiện thông tin đại chúng thông tin sai sự thật đối với hành vi quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này;

b) Buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường Internet và kỹ thuật số hoặc buộc

Xử lý hình sự

Theo điều 225, Bộ luật hình sự 2017 quy định về tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan như sau:

1. Người nào không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan mà cố ý thực hiện một trong các hành vi sau đây, xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:

a) Sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình;

b) Phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên;

d) Gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan 500.000.000 đồng trở lên;

đ) Hàng hóa vi phạm trị giá 500.000.000 đồng trở lên.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

4. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 02 năm;

c) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Như vậy, đối với tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan thì mức phạt tù cao nhất lên đến 03 năm, có thể bị phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm khi hành vi phạm tội có tổ chức; Phạm tội 2 lần trở lên; Thu lợi bất chính 300 triệu đồng trở lên; Gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan 500 triệu đồng trở lên; Hàng hóa vi phạm trị giá 500 triệu đồng trở lên.

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer