Chào luật sư, hiện tôi đang kinh doanh dịch vụ đồ uống, chủ yếu là cà phê với tên là Muối Café (TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình), có logo và tôi cũng đã tiến hành thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và và có 5 cơ sở trên toàn tỉnh. Gần đây trong một lần đi chơi, tôi thấy một người cũng sử dụng logo và hình ảnh của nhãn hiệu của tôi để kinh doanh mặt hàng tương tự. Người này kinh doanh tại một huyện trên địa bàn tỉnh, giáp với thành phố nơi tôi đang kinh doanh. Xin hỏi, hành vi của người đó có vi phạm pháp luật hay không và tôi cần phải làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình?
Nguồn ảnh: Internet.
Trả lời
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với thắc mắc của bạn, chúng tôi xin được tư vấn như sau:
Theo quy định tại khoản 1 điều 129 Luật sở hữu trí tuệ, các hành vi sau đây được thực hiện mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu sẽ bị coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu:
a) Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó;
b) Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ tương tự hoặc liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ;
c) Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ;
d) Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng hoặc dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng cho hàng hóa, dịch vụ bất kỳ, kể cả hàng hóa, dịch vụ không trùng, không tương tự và không liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng.
Như vậy, cơ sở để xác lập và phát sinh quyền được bảo hộ đối với nhãn hiệu là chủ nhãn hiệu phải thực hiện thủ tục đăng ký nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ. Sau khi đảm bảo đủ các điều kiện để được bảo hộ nhãn hiệu theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ, thì chủ sở hữu của nhãn hiệu được xác lập toàn bộ quyền bảo hộ của mình đối với nhãn hiệu, gồm: quyền sử dụng, quảng cáo, in ấn nhãn hiệu lên các sản phẩm, nhượng quyền thương mại, nhượng quyền sử dụng nhãn hiệu, nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu cho cá nhân/tổ chức khác... Nếu phát hiện ra bất kỳ hành vi xâm phạm nào về nhãn hiệu, thương hiệu, chủ sở hữu văn bằng bảo hộ nhãn hiệu ngay lập tức được quyền yêu cầu các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tham gia giải quyết và xử phạt.
Trong trường hợp phát hiện cá nhân khác có hành vi xâm phạm nhãn hiệu của bạn, bạn nên xử lí như sau:
- Giám định sở hữu trí tuệ: là việc tổ chức, cá nhân có thẩm quyền sử dụng kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn để đánh giá, kết luận về những vấn đề có liên quan đến vụ việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (khoản 1 điều 201). Kết quả giám định là cơ sở quan trọng trong quá trình xử lý vi phạm và đây cũng chính là tài liệu, bằng chứng để cơ quan chức năng giải quyết vụ việc.
- Gửi thông báo đến cá nhân có hành vi xâm phạm nhãn hiệu: sau khi phát hiện hành vi sử dụng nhãn hiệu trái phép và có kết luận giám định sở hữu trí tuệ, bạn có thể gửi thông báo yêu cầu chấm dứt hành vi xâm phạm đến cá nhân có hành vi vi phạm. Việc thông báo này được thể hiện bằng văn bản. Trong văn bản phải có các thông tin như: Chỉ dẫn về căn cứ phát sinh, văn bằng bảo hộ, phạm vi, thời hạn bảo hộ và phải ấn định một thời hạn hợp lý để người xâm phạm chấm dứt hành vi xâm phạm.
- Yêu cầu sự can thiệp của cơ quan chức năng: Trong trường hợp đã gửi thông báo đến cá nhân, tổ chức có hành vi xâm phạm nhãn hiệu nhưng họ vẫn cố tình vi phạm, bạn hoàn toàn có quyền yêu cầu cơ quan chức năng giải quyết vụ việc. Cụ thể, bạn có thể gửi đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân nơi người đó đặt cơ sở kinh doanh kèm theo giấy tờ tài liệu chứng minh hành vi xâm phạm của họ.
Bạn có thể tham khảo các biện pháp xử lí hành vi xâm phạm nhãn hiệu thông qua bài viết: https://www.saovietlaw.com/so-huu-tri-tue-1/cac-bien-phap-xu-ly-xam-pham-nhan-hieu/
Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com