Câu hỏi:
Chào luật sư, chúng tôi là công ty chuyên về thời trang. Hiện tại chúng tôi đã cho ra mắt được các dòng sản phẩm túi xách, quần, áo do công ty tôi tự thiết kế và sáng tạo ra. Vậy chúng tôi có cần phải đăng ký bản quyền cho các thiết kế của mình hay không? Nếu có thì xin tư vấn giúp chúng tôi thủ tục như thế nào? Xin cảm ơn Luật Sao Việt!
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới Công ty Luật TNHH Sao Việt, theo thông tin bạn cung cấp, chúng tôi xin được tư vấn như sau:
Các mẫu thiết kế thời trang của công ty bạn sáng tạo ra được xem là tác phẩm mỹ thuật ứng dụng theo quy định tại Khoản 2 Điều 13 Nghị định 22/2018/NĐ-CP cụ thể:
“2. Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng quy định tại điểm g khoản 1 Điều 14 của Luật sở hữu trí tuệ là tác phẩm được thể hiện bởi đường nét, màu sắc, hình khối, bố cục với tính năng hữu ích, có thể gắn liền với một đồ vật hữu ích, được sản xuất thủ công hoặc công nghiệp như: Thiết kế đồ họa (hình thức thể hiện của biểu trưng, hệ thống nhận diện và bao bì sản phẩm), thiết kế thời trang, tạo dáng sản phẩm, thiết kế nội thất, trang trí.”
Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng là một trong những đối tượng được bảo hộ của quyền tác giả. Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng được bảo hộ theo cơ chế tự động kể từ khi tác phẩm được sáng tạo ra mà không cần phải đăng ký.
Tuy nhiên, công ty bạn nên đăng ký quyền tác giả với Cục Bản quyền tác giả đối với các bản thiết kế này, phòng trường hợp phát sinh các tranh chấp có liên quan, khi đó công ty bạn không có nghĩa vụ phải chứng minh quyền tác giả, quyền liên quan thuộc về mình (trừ trường hợp có chứng cứ ngược lại).
Thủ tục đăng ký quyền tác giả đối với các mẫu thiết kế thời trang cụ thể như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Điều 50 Luật sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi năm 2009 quy định hồ sơ đăng ký quyền tác giả bao gồm các loại giấy tờ sau:
- Tờ khai đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định mẫu tờ khai đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan);
- Hai bản sao tác phẩm đăng ký quyền tác giả hoặc hai bản sao bản định hình đối tượng đăng ký quyền liên quan;
- Giấy uỷ quyền, nếu người nộp đơn là người được uỷ quyền;
- Tài liệu chứng minh quyền nộp đơn, nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đó của người khác do được thừa kế, chuyển giao, kế thừa;
- Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, nếu tác phẩm có đồng tác giả;
- Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, nếu quyền tác giả, quyền liên quan thuộc sở hữu chung.
Bước 2: Nộp hồ sơ
Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan trực tiếp hoặc ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Cụ thể tại một trong các địa chỉ sau: Cục Bản quyền tác giả hoặc Văn phòng đại diện của Cục Bản quyền tác giả tại thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng .
Bước 3: Thẩm định hồ sơ và trả kết quả
Trong thời hạn mười lăm ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn hợp lệ, cơ quan quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan cho người nộp đơn.
Trong trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan thì cơ quan quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan phải thông báo bằng văn bản cho người nộp đơn.
Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan được ghi nhận trong Sổ đăng ký quốc gia về quyền tác giả, quyền liên quan và có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com