Câu hỏi:

Công ty của tôi có nhãn hiệu nhưng chưa biết nên đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hay đăng ký quyền tác giả đối với nhãn hiệu này. Mong Luật Sao Việt tư vấn để tôi lựa chọn được hình thức bảo hộ tốt nhất. Tôi xin chân thành cảm ơn!

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi, Luật sư Sao Việt tư vấn như sau:

Mỗi hình thức đăng ký bảo hộ đều có những ưu điểm riêng. Việc Đăng ký quyền tác giả hay Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu đối với nhãn hiệu của công ty đều mang lại những lợi ích cho chủ sở hữu, tác giả của tác phẩm là nhãn hiệu này.

Đối với hình thức đăng ký quyền tác giả:

Nhãn hiệu của công ty bạn có thể đăng ký bảo hộ quyền tác giả dưới dạng tác phẩm mỹ thuật ứng dụng.

Việc đăng ký quyền tác giả sẽ mang lại cho chủ sở hữu, tác giả của tác phẩm những quyền và lợi ích sau:

1. Quyền nhân thân:

a. Quyền đặt tên cho tác phẩm;

b. Quyền đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng;

c. Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm;

d. Quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

2. Quyền tài sản:

a. Làm tác phẩm phái sinh;

b. Biểu diễn tác phẩm trước công chúng;

c. Sao chép tác phẩm;

d. Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm;

e. Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác;

Quyền nhân thân quy định tại điểm a, b, d sẽ được bảo hộ vô thời hạn; Các quyền nhân thân và quyền tài sản còn lại được bảo hộ 50 năm kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên.

3. Công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả không có nghĩa vụ chứng minh quyền tác giả, quyền liên quan thuộc về mình khi có tranh chấp, trừ trường hợp có chứng nhận ngược lại.

Đối  với hình thức đăng ký bảo hộ nhãn hiệu:

Việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu không chỉ xác lập quyền sở hữu đối với nhãn hiệu mà còn ngăn chặn được những trường hợp sử dụng nhãn hiệu khác có dấu hiệu gây nhầm lẫn, trùng hoặc tương tự đối với sản phẩm, hàng hóa cùng loại. Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có hiệu lực từ ngày cấp đến hết mười năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần mười năm. Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu thường được sử dụng phổ biến trong kinh doanh là tín hiệu nhận biết và giúp doanh nghiệp kết nối với khách hàng, xây dựng thương hiệu trên thị trường.

Như vậy, căn cứ vào nhu cầu, mục đích bảo hộ của Công ty, bạn có thể lựa chọn hình thức đăng ký bảo hộ phù hợp hoặc có thể đăng ký bảo hộ dưới cả hai hình thức nêu trên nhằm đảm bảo nhãn hiệu được bảo hộ một cách mạnh mẽ và lâu dài nhất.

Để nhận được ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, bạn đọc vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Sao Việt qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6243 hoặc E-mail: congtyluatsaoviet@gmail.com.

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer