Câu hỏi: Chào Luật Sao Việt, tôi thấy nhiều ứng dụng của Mỹ rất hay nhưng phải trả phí sử dụng, tuy nhiên khi lên mạng tôi thấy cũng là phần mềm đó nhưng ở bản crack, bản lậu (đã được bẻ khóa để người dùng truy cập miễn phí). Xin hỏi nếu tôi tải bản crack phần mềm để làm việc ( thiết kế bản vẽ công trình để bán) tại Việt Nam thì tôi có vi phạm pháp luật hay không?
Trả lời:
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới Luật Sao Việt, với câu hỏi của bạn, chúng tôi trả lời như sau:
Theo quy định của luật sở hữu trí tuệ, các phần mềm - Chương trình máy tính (tập hợp các chỉ dẫn được thể hiện dưới dạng lệnh, mã, lược đồ hoặc dạng khác, khi gắn vào một phương tiện, thiết bị được vận hành bằng ngôn ngữ lập trình máy tính thì có khả năng làm cho máy tính hoặc thiết bị thực hiện được công việc hoặc đạt được kết quả cụ thể) sẽ được bảo hộ như tác phẩm văn học, dù được thể hiện dưới dạng mã nguồn hay mã máy.
Hơn nữa, cả Việt Nam và Mỹ đều là thành viên của công ước Berne, nên quyền tác giả đối với phần mềm sẽ được tự động bảo hộ theo nguyên tắc bảo hộ tự động: Công ước Berne bảo hộ quyền tác giả phát sinh ngay khi tác phẩm được định hình dưới dạng vật chất nhất định không lệ thuộc vào bất kì thủ tục nào như đăng ký cấp giấy chứng nhận, nộp lưu chiểu.
Ngoài ra, giữa Việt Nam và Hoa kỳ đã có những hiệp định thương mại song phương về quyền sở hữu trí tuệ. Cụ thể là Hiệp định thương mại Việt – Mỹ ngày 13/7/2000. Theo đó, đối với quyền tác giả và quyền liên quan được hai bên thỏa thuận sẽ dành cho các tác giả và những người kế thừa quyền lợi được phép cấm hoặc cho phép các chủ thể khác sử dụng tác phẩm của mình và thời hạn tác phẩm đó được bảo hộ là không ít hơn 75 năm kể từ khi tác phẩm được công bố hợp pháp.
Vì vậy, để kết luận việc sử dụng bản crack phần mềm của Mỹ có vi phạm pháp luật hay không cần xem xét phần mềm đó đã hết thời hạn bảo hộ hay chưa. Theo thông tin bạn cung cấp, các phần mềm này yêu cầu người dùng trả phí mới được sử dụng, còn trên mạng có bản crack đã được bẻ khóa để người dùng truy cập miễn phí => Vậy khả năng cao là những phần mềm này vẫn đang trong thời hạn bảo hộ quyền tác giả. Do đó, nếu bạn sử dụng bản lậu, bản crack với mục đích thương mại (tạo ra các bản vẽ và thu lợi cho bản thân và có thể là phân phối phần mềm này tới các đối tượng khác) được xem là hành vi vi phạm pháp luật.
Không những vậy để sử dụng được những phần mềm bản lậu này thì người dùng thường sử dụng các thủ thuật để can thiệp và phá bỏ các lớp bảo vệ của phần mềm => đây được xem là hành vi cố ý huỷ bỏ hoặc làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật do chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm
Các chế tài xử lý các hành vi vi phạm quyền tác giả
Căn cứ quy định tại Điều 15 và 20 Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan:
“Điều 15. Hành vi xâm phạm quyền phân phối tác phẩm
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi phân phối tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường Internet và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này.”
“Điều 20. Hành vi xâm phạm quyền áp dụng biện pháp công nghệ để tự bảo vệ quyền tác giả
1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi cố ý xóa, thay đổi thông tin quản lý quyền dưới hình thức điện tử gắn với bản gốc hoặc bản sao tác phẩm.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi cố ý hủy bỏ hoặc làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật, công nghệ do chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình.
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất, lắp ráp, biến đổi, phân phối, nhập khẩu, xuất khẩu, bán hoặc cho thuê thiết bị hoặc hệ thống làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật, công nghệ do chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại khoản 2 Điều này; b) Buộc tái xuất tang vật vi phạm đối với hành vi nhập khẩu quy định tại khoản 3 Điều này. Trường hợp không áp dụng được biện pháp buộc tái xuất thì áp dụng biện pháp buộc tiêu hủy”
Như vậy, tùy thuộc vào hành vi và mức độ vi phạm thì có thể bị áp dụng mức xử phạt vi phạm hành chính như đã nêu trên. Nếu các chứng cứ đầy đủ để chứng minh hành vi vi phạm của bạn đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì sẽ có thể sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 225 Bộ Luật hình sự năm 2015. Khung hình phạt nặng nhất có thể lên tới 3 năm tù giam và phạt tiền lên tới 1 tỷ đồng. Vì vậy bạn nên sử dụng các phần mềm khác thay thế hoặc có thể lập nhóm để mua chung bản quyền phần mềm để tránh những rắc rối pháp lý phát sinh.
Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com