Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là một trong những điều kiện tiên quyết đối với các quốc gia là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và là điều kiện gia nhập mà các quốc gia muốn trở thành thành viên của tổ chức này phải đáp ứng. Việc xác lập thời hạn bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ không chỉ giúp đảm bảo lợi ích, công bằng an ninh thương mại, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội mà còn để công chúng có cơ hội tiếp cận các tài sản sở hữu trí tuệ đã trở thành công hữu. Vì vậy, nắm rõ thời hạn bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là một trong những việc cần thiết để chủ sở hữu và cả những đối tượng đang quan tâm có thể hiểu rõ hơn về thời gian được bảo hộ và có những sắp xếp hợp lý cho công việc của mình.

1. Thời hạn bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với quyền tác giả

Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung 2009 quy định về thời hạn bảo hộ quyền tác giả như sau:

- Quyền nhân thân (bao gồm: Quyền đặt tên cho tác phẩm, Quyền đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng; Quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm không cho người khác xuyên tạc; không cho người khác sửa đổi, cắt xén tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả) được bảo hộ vô thời hạn.

- Quyền nhân thân (bao gồm quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm) và quyền tài sản (quy định tại Điều 20 của Luật sở hữu trí tuệ) có thời hạn bảo hộ như sau:

+ Tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm khuyết danh có thời hạn bảo hộ là 75 năm, kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên (quy định cũ là 50 năm).

+ Đối với tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng chưa được công bố trong thời hạn 25 năm, kể từ khi tác phẩm được định hình thì thời hạn bảo hộ là 100 năm, kể từ khi tác phẩm được định hình.

Đối với các tác phẩm không thuộc các loại hình trên có thời hạn bảo hộ là suốt đời tác giả và 50 năm tiếp theo sau khi tác giả qua đời. Trường hợp tác phẩm có đồng tác giả, thời hạn bảo hộ chấm dứt vào năm thứ 50 sau khi năm đồng tác giả cuối cùng chết.

Thời hạn bảo hộ sẽ chấm dứt vào 24h ngày 31/12 của năm chấm dứt thời hạn bảo hộ quyền tác giả.

2. Đối với Nhãn hiệu

Thời hạn bảo hộ là 10 năm kể từ ngày nộp đơn và được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu. Có thể gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần gia hạn là 10 năm và phải làm thủ tục gia hạn tại Cục Sở hữu trí tuệ.

3. Đối với Sáng chế

Sáng chế được bảo hộ bởi 02 văn bằng, gồm: bằng độc quyền sáng chế và Bằng độc quyền giải pháp hữu ích.

- Đối với độc quyền sáng chế: Bằng độc quyền sáng chế có hiệu lực từ ngày được cấp và kéo dài đến hết 20 năm kể từ ngày nộp đơn. Phạm vi bảo hộ là trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Hết 20 năm bảo hộ, sáng chế thuộc về công chúng và mọi người được sử dụng mà không cần phải xin phép. Thời hạn bảo hộ sáng chế chấm dứt sớm hơn nếu chủ sở hữu không duy trì hiệu lực của văn bằng bảo hộ sáng chế trước khi sáng chế hết hiệu lực.

4. Đối với giải pháp hữu ích:

Bằng độc quyền giải pháp hữu ích có hiệu lực từ ngày cấp, kéo dài đến 10 năm kể từ ngày nộp đơn và có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Lưu ý: Đối với Bằng độc quyền sáng chế và Bằng độc quyền giải pháp hữu ích không có thủ tục gia hạn hiệu lực của văn bằng bảo hộ. Mà để duy trì hiệu lực Bằng độc quyền sáng chế, chủ văn bằng bảo hộ phải tiến hành thủ tục duy trì hiệu lực trong thời hạn sáu tháng trước ngày sáng chế hết hiệu lực.

5. Chỉ dẫn địa lý

Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý có hiệu lực vô thời hạn kể từ ngày cấp.

Tuy nhiên, không phải quy định vô thời hạn đồng nghĩa với việc được bảo hộ vĩnh viễn. Trong trường hợp chỉ dẫn địa lý không còn đáp ứng điều kiện bảo hộ, các điều kiện địa lý tạo nên danh tiếng, chất lượng, đặc tính của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý bị thay đổi làm mất danh tiếng, chất lượng, đặc tính của sản phẩm đó thì văn bằng bảo hộ sẽ bị chấm dứt hiệu lực.

6. Kiểu dáng công nghiệp

- Kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ từ ngày cấp Bằng độc quyền đến hết 5 năm tính từ ngày nộp đơn và Bằng độc quyền này có thể được gia hạn hiệu lực liên tiếp 2 lần, mỗi lần 5 năm.

Thời hạn có hiệu lực tối đa của một Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp là 15 năm.

Tuy nhiên, Bằng độc quyền sẽ không tự động có hiệu lực đến hết 15 năm mà khi hết kỳ hiệu lực 5 năm, chủ Bằng độc quyền phải làm thủ tục gia hạn tại Cục Sở hữu trí tuệ thì Bằng độc quyền mới tiếp tục có hiệu lực cho kỳ hạn sau.

7. Thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn

Đối với thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn sẽ được bảo hộ từ ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký và và chấm dứt hiệu lực vào ngày sớm nhất trong các trường hợp sau:

- Kết thúc 10 năm, kể từ ngày nộp đơn;

- Kết thúc 10 năm, kể từ ngày thiết kế bố trí được người có quyền đăng ký hoặc người được người đó cho phép khai thác thương mại lần đầu tiên tại bất kỳ nơi nào trên thế giới.

- Kết thúc 15 năm – kể từ ngày tạo ra thiết kế bố trí.

8. Đối với giống cây trồng

Thời hạn bảo hộ giống cây trồng mới là 20 năm, đối với cây thân gỗ và nho là 25 năm. Thời gian bắt đầu được bảo hộ tính từ ngày hồ sơ yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ giống cây trồng mới được văn phòng bảo hộ giống cây trồng mới chấp nhận là hồ sơ hợp lệ.

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer