Khi lựa chọn tên cho doanh nghiệp của mình, các chủ doanh nghiệp có rất nhiều điều cần phải lưu ý để tên doanh nghiệp không vi phạm các quy định của pháp luật và được cho phép sử dụng. Trong đó, chủ doanh nghiệp cũng cần lưu ý không được sử dụng tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của tổ chức, cá nhân đã được bảo hộ để cấu thành tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp được sự chấp thuận của chủ sở hữu tên thương mại, nhãn hiệu đó. Vậy, làm thế nào để xác định tên doanh nghiệp có xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp hay không? Nếu vi phạm thì sẽ bị xử phạt như thế nào?
1. Cách xác định tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp
Theo quy định tại khoản 1 Điều 19 Nghị định 01/2021/NĐ-CP thì không được sử dụng tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của tổ chức, cá nhân đã được bảo hộ để cấu thành tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp được sự chấp thuận của chủ sở hữu tên thương mại, nhãn hiệu đó.
Vì vậy, có 3 trường hợp tên doanh nghiệp có thể xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp bao gồm:
Trường hợp 1: Tên doanh nghiệp xâm phạm tên thương mại của cá nhân, tổ chức đã được bảo hộ
Hành vi vi phạm xảy ra khi doanh nghiệp sử dụng tên trùng hoặc tương tự tên thương mại của doanh nghiệp khác đã sử dụng cho cùng một loại sản phẩm, dịch vụ hoặc sản phẩm và dịch vụ tương tự, gây nên nhầm lẫn cho người khác về chủ thể kinh doanh, hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó
Trường hợp 2: Tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu đối với nhãn hiệu
- Sử dụng tên doanh nghiệp có dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ;
- Sử dụng tên doanh nghiệp có dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng hoặc dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng cho hàng hoá, dịch vụ bất kỳ, kể cả hàng hoá, dịch vụ không trùng, không tương tự và không liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ
Lưu ý: Quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu thông thường được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của Cục SHTT nhưng quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu nổi tiếng sẽ được xác lập trên cơ sở sử dụng chứ không cần phải đăng ký.
Trường hợp 3: Tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý:
Sử dụng tên doanh nghiệp trong các trường hợp sau là xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý:
- Sử dụng tên doanh nghiệp trùng hoặc tương tự với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ cho sản phẩm không có nguồn gốc từ khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý đó làm cho người tiêu dùng hiểu sai rằng sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực địa lý đó;
- Phần tên riêng của doanh nghiệp có sử dụng chỉ dẫn địa lý được bảo hộ đối với rượu vang, rượu mạnh cho rượu vang, rượu mạnh không có nguồn gốc xuất xứ từ khu vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý đó, kể cả trường hợp có nêu chỉ dẫn về nguồn gốc xuất xứ thật của hàng hoá hoặc chỉ dẫn địa lý được sử dụng dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm hoặc được sử dụng kèm theo các từ loại, kiểu, dạng, phỏng theo hoặc những từ tương tự như vậy
2. Xử lý doanh nghiệp vi phạm đặt tên xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp
Nếu đặt tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, doanh nghiệp sẽ phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật. Trường hợp tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp thì doanh nghiệp có tên vi phạm phải đăng ký thay đổi tên doanh nghiệp.
Sau khi nhận được thông báo của Phòng đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp có tên xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp phải thay đổi tên doanh nghiệp và tiến hành thủ tục đăng ký thay đổi tên doanh nghiệp trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày ra thông báo. Sau thời hạn trên, nếu doanh nghiệp không đăng ký thay đổi tên doanh nghiệp theo yêu cầu, Phòng Đăng ký kinh doanh thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.
Hành vi “Không thực hiện và không trả lời nội dung yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về xác lập, giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm về sở hữu công nghiệp mà không có lý do chính đáng;” bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng theo quy định tại Điểm b Khoản 7 Điều 1 Nghị định 126/2021/NĐ-CP. Ngoài ra, theo quy định tại khoản 5 Điều 19 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm ra quyết định xử phạt đối với doanh nghiệp nào có tên xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, đồng thời áp dụng một trong hai biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thay đổi tên doanh nghiệp hoặc buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trong tên doanh nghiệp nhưng tổ chức, cá nhân vi phạm không thực hiện trong thời hạn do pháp luật quy định thì cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm thông báo cho Phòng Đăng ký kinh doanh để yêu cầu doanh nghiệp báo cáo cho Phòng Đăng ký kinh doanh để yêu cầu doanh nghiệp báo cáo theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 216 Luật Doanh nghiệp 2020.
Trường hợp doanh nghiệp không báo cáo đến Phòng đăng ký kinh doanh trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày hết hạn gửi báo cáo hoặc có yêu cầu bằng văn bản, Phòng Đăng ký kinh doanh thực hiện thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com