Câu hỏi:

Hiện nay World Cup 2018 đang diễn ra tại Nga, tôi xem thời sự thấy đài truyền hình Việt Nam có mua được bản quyền World Cup và quy định về việc nghiêm cấm hành vi vi phạm bản quyền. Vậy việc Livestream trên facebook, Youtube hay tổ chức các buổi trình chiếu ở quán cà phê, quán bia có vi phạm bản quyền không? Người vi phạm sẽ bị xử lý như thế nào?

Trả lời:

1. Cơ sở pháp lý

Luật sở hữu trí tuệ 2005;

Nghị định 105/2006/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật sở hữu trí tuệ và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ.

2. Nội dung

Liên quan đến vấn đề bản quyền World Cup 2018, hiện VTV đã ký hợp đồng chia sẻ bản quyền với Đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh (HTV) trên kênh HTV7, HTV9 và HTV Thể thao.

VTV cũng đã ký hợp đồng cấp quyền tiếp phát sóng FIFA World Cup 2018 nguyên kênh của VTV trên hạ tầng mạng IPTV, OTT, di động với các đơn vị Viettel, FPT, VNPT. Các đơn vị này được phép sử dụng hình ảnh, các clip hình ảnh nổi bật của các trận đấu để thực hiện các chương trình riêng của mình về giải đấu trên IPTV, OTT và di động.

Căn cứ Luật sở hữu trí tuệ 2005 có quy định tại Điều 35 về hành vi xâm phạm các quyền liên quan như:

1. Chiếm đoạt quyền của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng.

2. Mạo danh người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng.

3. Công bố, sản xuất và phân phối cuộc biểu diễn đã được định hình, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng mà không được phép của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng.

4. Sửa chữa, cắt xén, xuyên tạc dưới bất kỳ hình thức nào đối với cuộc biểu diễn gây phương hại đến danh dự và uy tín của người biểu diễn.

5. Sao chép, trích ghép đối với cuộc biểu diễn đã được định hình, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng mà không được phép của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng.

6. Dỡ bỏ hoặc thay đổi thông tin quản lý quyền dưới hình thức điện tử mà không được phép của chủ sở hữu quyền liên quan.

7. Cố ý huỷ bỏ hoặc làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật do chủ sở hữu quyền liên quan thực hiện để bảo vệ quyền liên quan của mình.

8. Phát sóng, phân phối, nhập khẩu để phân phối đến công chúng cuộc biểu diễn, bản sao cuộc biểu diễn đã được định hình hoặc bản ghi âm, ghi hình khi biết hoặc có cơ sở để biết thông tin quản lý quyền dưới hình thức điện tử đã bị dỡ bỏ hoặc đã bị thay đổi mà không được phép của chủ sở hữu quyền liên quan.

9. Sản xuất, lắp ráp, biến đổi, phân phối, nhập khẩu, xuất khẩu, bán hoặc cho thuê thiết bị khi biết hoặc có cơ sở để biết thiết bị đó giải mã trái phép một tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá.

10. Cố ý thu hoặc tiếp tục phân phối một tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá khi tín hiệu đã được giải mã mà không được phép của người phân phối hợp pháp.

Theo đó, nếu các đài truyền hình, cá nhân/ tổ chức khác muốn phát sóng World cup phải được sự đồng ý của cơ quan nắm giữ bản quyền đồng ý. Ở đây chúng tôi cũng không rõ thỏa thuận giữa Đài truyền hình Việt Nam VTV với Liên đoàn bóng đá thế giới FIFA như thế nào nhưng từ những quy định trên, việc nhiều người livestream trên facebook, youtube và tổ chức các buổi trình chiếu có thu tiền hoặc gắn với mục đích thương mại thì đều vi phạm bản quyền nếu không được sự đồng ý của FIFA. 

Căn cứ Điều 199 Luật sở hữu trí tuệ 2005, Điều 4 Nghị định 105/2006/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật sở hữu trí tuệ và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ thì tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân khác thì tuỳ theo tính chất, mức độ xâm phạm, ­­có thể bị xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự, cụ thể đó là:

1. Biện pháp dân sự được áp dụng để xử lý hành vi xâm phạm theo yêu cầu của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc của tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hành vi xâm phạm gây ra, kể cả khi hành vi đó đã hoặc đang bị xử lý bằng biện pháp hành chính hoặc biện pháp hình sự.

Thủ tục yêu cầu áp dụng biện pháp dân sự, thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp dân sự tuân theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

2. Biện pháp hành chính được áp dụng để xử lý hành vi xâm phạm thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 211 của Luật Sở hữu trí tuệ, theo yêu cầu của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ, tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hành vi xâm phạm gây ra, tổ chức, cá nhân phát hiện hành vi xâm phạm hoặc do cơ quan có thẩm quyền chủ động phát hiện.

Hình thức, mức phạt, thẩm quyền, thủ tục xử phạt hành vi xâm phạm và các biện pháp khắc phục hậu quả tuân theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quyền tác giả và quyền liên quan, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng.

3. Biện pháp hình sự được áp dụng để xử lý hành vi xâm phạm trong trường hợp hành vi đó có yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp hình sự tuân theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.

Để nhận được ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, bạn đọc vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên viên pháp lý của Công ty Luật TNHH Sao Việt qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6243 hoặc E-mail: congtyluatsaoviet@gmail.com.

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer