Gần đây, báo chí đưa tin rất nhiều về các trường hợp trốn khỏi nơi cách ly vì các lý do không thể chấp nhận nổi. Vậy pháp luật quy định như thế nào đối với hành vi trốn khỏi nơi cách ly? Làm thế nào để giải quyết tình trạng này?

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Facebook.

Dịch bệnh Covid 19 đã được công nhận là bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ đại dịch toàn cầu, theo Quyết định 447/QĐ-TTg ngày 15/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Vì vậy, hành vi trốn tránh cách ly y tế của các đối tượng có nguy cơ mắc Covid 19 có thể bị xử lý hành chính và nghiêm trọng hơn là xử lý hình sự tuỳ theo mức độ vi phạm.

- Về xử lý hành chính:

Theo Điểm b Khoản 2 Điều 10 Nghị định 176/2013/NĐ-CP có quy định:

"2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

...b) Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A."

Như vậy, người nào bỏ trốn khỏi khu vực cách ly y tế có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng. Đồng thời, buộc phải tiếp tục thực hiện việc cách ly y tế theo Khoản 3 Điều 10 Nghị định 176 nêu trên.

- Về xử lý hình sự:

Những trường hợp bỏ trốn khỏi khu vực cách ly y tế gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị truy cứu TNHS theo quy định tại Điều 240 Bộ Luật hình sự 2015 về Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người. Cụ thể:

“1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

…c) Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người”.

Đồng thời, theo Công văn số 45/TANDTC-PC của Chánh án TAND tối cao về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng chống dịch bệnh Covid 19 hướng xác định tội danh đối với “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 nêu trên như sau:

- Với người được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh Covid-19 đã được thông báo cách ly thực hiện một trong các hành vi sau đây gây lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác thì bị coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 và bị xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người:

a) Trốn khỏi nơi cách ly;

b) Không tuân thủ quy định về cách ly;

c) Từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly;

d) Không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối.

- Với người chưa bị xác định mắc bệnh Covid-19 nhưng sống trong khu vực đã có quyết định cách ly, quyết định phong tỏa thực hiện một trong các hành vi sau đây gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh thì bị xử lý về tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người theo quy định tại Điều 295:

a) Trốn khỏi khu vực bị cách ly, khu vực bị phong tỏa;

b) Không tuân thủ quy định cách ly;

c) Từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly;

d) Không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối.

Hậu quả “gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng chống dịch, bệnh” được hiểu là khoản chi phí nhà nước sẽ phải mất thêm để thực hiện chống dịch tại các khu vực mà người trốn cách ly có liên quan như phải điều động thêm lực lượng phun thuốc khử trùng, bố trí khu vực ăn ở sinh hoạt, cách ly xã hội toàn bộ khu vực… (mặc dù vùng này đáng lẽ ra không nằm trong diện phải thực hiện phòng chống dịch). Trên thực tế, việc xác định thiệt hại này sẽ do cơ quan chức năng xác định.

Trong trường hợp người trốn khỏi nơi cách ly bị nhiễm bệnh và lây nhiễm cho người khác trong quá trình bỏ trốn thì tuỳ theo mức độ nghiêm trọng mà người vi phạm sẽ bị phạt tù theo mức độ như sau:

- Phạt tù từ 1 đến 5 năm với hành vi trốn cách ly làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người khác.

- Phạt tù từ 05 năm đến 10 năm nếu:

+ Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế;

+ Làm chết người.

- Phạt tù từ 10 năm đến 12 năm nếu:

+ Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ;

+ Làm chết 02 người trở lên.

Ngoài ra, Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Có thể thấy, pháp luật đã có những quy định rất rõ ràng và nghiêm khắc đối với hành vi trốn khỏi nơi cách ly. Tuy nhiên trên thực tế, chúng ta đều nhận thấy việc xử phạt đối với hành vi này là không nhiều, chỉ có một vài trường hợp bị xử lý hành chính, chưa có trường hợp bị xử lý hình sự. Lí do hầu hết vì hậu quả chưa đạt (chưa làm lây lan dịch bệnh cho người khác hoặc/và việc xác định hậu quả thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng chống dịch bệnh cũng chưa thể chứng minh khi tình hình dịch còn đang diễn biến phức tạp) vì vậy, những trường hợp trốn cách ly thường được bỏ qua.

Thực trạng này diễn ra một phần cũng bởi trong tình trạng đang bùng phát dịch bệnh thì mục tiêu hàng đầu của Nhà nước là khoanh vùng dịch, ngăn chặn sự lây lan, sau đó mới tính đến việc giải quyết hậu quả do sự vô ý thức của một bộ phận người dân. Do đó, quy định đã có nhưng tính chất răn đe đối với xã hội không cao, bằng chứng là các trường hợp trốn cách ly vẫn thường xuyên xảy ra bởi người dân vẫn có tâm lý chủ quan dẫn đến coi thường pháp luật và tính mạng, sức khoẻ của cộng đồng. 

Vì vậy, để khắc phục tình trạng này, mỗi người dân cần trở thành một “người giám sát việc thực hiện pháp luật” tích cực phối hợp với cơ quan chức năng để phát hiện, tố giác các trường hợp bỏ trốn khỏi nơi cách ly y tế. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng cần mạnh tay hơn, áp dụng khởi tố vụ án, khởi tố bị can ngay cả trong thời điểm người vi phạm tiếp tục phải thực hiện phương pháp cách ly (không chờ hết thời hạn cách ly) để làm gương cho những đối tượng khác đang có ý định vi phạm pháp luật.

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer