Nhiều người vẫn lầm tưởng rằng chỉ được đăng ký thường trú khi đã có nhà ở thuộc sở hữu của riêng mình. Quan điểm này hoàn toàn chưa chính xác, theo đó, nếu cá nhân có nhu cầu và đáp ứng các điều kiện luật định thì vẫn có thể đăng ký thường trú tại địa chỉ nhà thuê, mượn, ở nhờ.
Ảnh minh họa: Internet
Hiện nay, điều kiện, thủ tục đăng ký thường trú tại địa chỉ nhà thuê được quy định chi tiết trong Luật cư trú 2020 (có hiệu lực từ 01/07/2021) đuợc hướng dẫn bởi Thông tư 55/2021/TT- BCA ; Nghị định 62/2021/NĐ-CP; Thông tư 56/2021/TT-BCA, Quyết định 5548/QĐ-BCA-C06 năm 2021 của Bộ Công an. Cụ thể như sau:
- Điều kiện đăng ký thừơng trú tại địa chỉ nhà thuê : Bạn đọc tham khảo tại : Ở nhà thuê có đăng ký thường trú được không?
- Thủ tục đăng ký thừơng trú tại địa chỉ nhà thuê
Buớc 1: Chuẩn bị hồ sơ:
Hồ sơ đăng ký thường trú tại nhà thuê được quy định tại Khoản 3 Điều 21 Luật Cư trú 2020:
- Tờ khai thay đổi thông tin cư trú, trong đó ghi rõ ý kiến đồng ý cho đăng ký thường trú của chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp được cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ hoặc người được ủy quyền, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản;
- Hợp đồng cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ hoặc văn bản về việc cho mượn, cho ở nhờ chỗ ở hợp pháp đã được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật;
- Giấy tờ, tài liệu chứng minh đủ diện tích nhà ở để đăng ký thường trú theo quy định.
Lưu ý: + Tờ khai thay đổi thông tin được sử dụng hiện nay là Mẫu CT01 ban hành kèm theo Thông tư 56/2021/TT-BCA
+ Để chứng minh đủ diện tích nhà ở được đăng ký thường trú, cá nhân chuẩn bị một trong số các loại giấy tờ tài liệu được quy định tại Khoản 2 Điều 5 Nghị định 62/2021/NĐ-CP như Giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở có thể hiện thông tin về diện tích nhà ở đang sử dụng hoặc xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện. Trường hợp thông tin chứng minh về chỗ ở hợp pháp của công dân đã có trong Cơ sở dữ liệu chuyên ngành đã được kết nối, chia sẻ với cơ quan đăng ký cư trú thì cơ quan đăng ký cư trú tự kiểm tra, xác minh, không yêu cầu công dân phải cung cấp giấy tờ chứng minh.
Bước 2: Nộp hồ sơ tại Cơ quan công an xã, phường, thị trấn; nếu không có đơn vị hành chính cấp xã thì nộp hồ sơ tại Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố
Cá nhân có thể nộp hồ sơ trực tiếp hoặc đăng ký cư trú qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, Cổng dịch vụ công quản lý cư trú.
Thời gian tiếp nhận hồ sơ: Giờ hành chính các ngày làm việc từ thứ 2 đến thứ 6 và sáng thứ 7 hàng tuần (trừ các ngày nghỉ lễ, tết theo quy định của pháp luật)
Bước 3: Nộp lệ phí và nhận kết quả
Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin về nơi thường trú mới của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin đăng ký thường trú; trường hợp từ chối đăng ký thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Lệ phí đăng ký thừơng trú tuỳ theo từng địa phương
Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com