Bố tôi mất vì covid năm 2020, có để lại di chúc chia tài sản cho tôi và em trai. Vì tôi có khả năng tài chính tốt hơn và đã ở riêng còn em trai ở với mẹ nên thời điểm đó tôi đã từ chối nhận di sản thừa kế. Tôi đã lập văn bản từ chối nhận di sản thừa kế có công chứng và đưa cho em trai. Tuy nhiên, 2 năm sau em tôi lấy vợ và không muốn chung sống cùng mẹ nữa, em dâu tôi đưa mẹ về quê ở, còn căn nhà (đáng ra tôi được hưởng thừa kế) thì hai vợ chồng em tôi sử dụng. Tôi không đồng ý nên muốn lấy lại căn nhà này, tôi được biết em tôi vẫn chưa làm thủ tục khai nhận di sản và sang tên. Vậy bây giờ tôi yêu cầu chia thừa kế còn được không và có thể hủy bỏ văn bản từ chối nhận di sản đã công chứng trước đó hay không? Tôi xin chân thành cảm ơn.
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:
Theo quy định của pháp luật, văn bản từ chối nhận di sản không bắt buộc phải yêu cầu công chứng, tuy nhiên nếu đã công chứng thì cần thực hiện theo quy định của Luật Công chứng. Theo điều 51 luật này quy định thì văn bản công chứng có thể sửa đổi, hủy bỏ khi có sự thỏa thuận, cam kết bằng văn bản của tất cả những người tham gia hợp đồng, giao dịch đó và phải được công chứng.
Khi bạn đã thực hiện công chứng văn bản từ chối nhận di sản thì phần di sản bạn đáng lẽ được hưởng sẽ được chuyển cho những người thừa kế hợp pháp khác. Vì vậy, việc hủy bỏ văn bản từ chối nhận di sản của bạn không chỉ ảnh hưởng đến tất cả những đồng thừa kế khác nên buộc phải có ý kiến chấp thuận của những người đồng thừa kế đối với việc hủy bỏ của bạn.
Trong trường hợp của bạn, em bạn chưa làm thủ tục khai nhận di sản nên nếu muốn hủy bỏ văn bản từ chối nhận di sản, bạn cần đáp ứng thêm những điều kiện sau:
Một là, phải được sự đồng ý của em trai bạn bằng văn bản
Hai là, phải làm thủ tục hủy bỏ tại chính tổ chức hành nghề công chứng nơi đã công chứng văn bản từ chối nhận di sản trước đó.
Sau khi đã hủy bỏ văn bản từ chối nhận di sản, bạn có thể thực hiện khai nhận di sản thừa kế bình thường. Tuy nhiên cách làm này buộc phải có sự đồng ý của em trai bạn, trong trường hợp của bạn có thể không dễ thực hiện.
Ngoài ra, trong một số trường hợp sau đây thì văn bản từ chối nhận di sản không có hiệu lực, bạn có thể tham khảo để xử lý nếu em trai không chấp thuận cho bạn hủy bỏ văn bản từ chối nhận di sản.
Điều 620 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về việc từ chối nhận di sản như sau:
“Điều 620. Từ chối nhận di sản
1. Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.
2. Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết.
3. Việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản.”
Như vậy, nếu chứng minh được việc từ chối nhận di sản nhằm trốn tránh nghĩa vụ tài sản (trốn nợ) thì việc từ chối sẽ không có hiệu lực và bạn được quyền thỏa thuận nhận di sản thừa kế.