(NB&CL) Sau nhiều năm đi vào hoạt động, công nhân vẫn khó tiếp cận khu đô thị dành cho công nhân tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh trong khi nhiều diện tích được thay đổi công năng thành các trung tâm đào tạo nghề cho doanh nghiệp.

Dự án thí điểm khu nhà ở phục vụ công nhân tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội được kỳ vọng trở thành “khu đô thị kiểu mẫu” dành cho công nhân. Thế nhưng, sau nhiều năm đi vào hoạt động, công nhân vẫn khó tiếp cận khu đô thị này, trong khi nhiều diện tích được thay đổi công năng thành các trung tâm đào tạo nghề cho doanh nghiệp.

Thực trạng đi ngược mong mỏi của công nhân

Theo tìm hiểu của phóng viên được biết, năm 1997, để khắc phục tình trạng công nhân làm việc trong KCN Thăng Long phải tìm thuê nhà trọ tư nhân, UBND thành phố Hà Nội đã thí điểm đầu tư xây dựng Dự án khu nhà ở công nhân tại xã Kim Chung với quy mô lên đến 20ha.

Dự án này được ví như một “khu đô thị kiểu mẫu” có đầy đủ các công trình phúc lợi xã hội như: nhà trẻ, nhà văn hóa, chợ, vườn hoa, sân tập thể thao, khi đi vào hoạt động sẽ là nơi “an cư” lý tưởng cho hơn một vạn công nhân yên tâm “lạc nghiệp.

Nhiều đơn nguyên tại khu nhà ở cho công nhân KCN Thăng Long bị biến thành trung tâm đào tạo nghề. 

Dự án được chia thành hai giai đoạn, trong đó giai đoạn một xây dựng 24 đơn nguyên cao 5 tầng với 1.084 phòng, đáp ứng gần 10.000 chỗ ở đối với công nhân chưa có gia đình. Diện tích mỗi phòng ở được thiết kế rộng có sức chứa dao động từ 4 - 20 công nhân/phòng, giường ngủ thiết kế giường tầng, công trình phụ, bếp dùng chung. Đến giai đoạn hai xây dựng bốn khối nhà cao 15 tầng, với gần 550 căn hộ diện tích trên 50m2, công trình phụ khép kín đáp ứng hơn 2.350 chỗ ở cho đối tượng là công nhân đã có gia đình. Như vậy cả hai giai đoạn, 28 tòa nhà đáp ứng được chỗ ở cho 12.000 công nhân. Đơn vị trực tiếp quản lý Dự án là Xí nghiệp Quản lý và Phát triển nhà ở xã hội thuộc Công ty TNHH Một thành viên Quản lý và Phát triển nhà ở quản lý khu nhà ở công nhân.

Tuy nhiên, trái với kỳ vọng của UBND thành phố Hà Nội, cũng như mong mỏi của hàng vạn công nhân, khu “đô thị kiểu mẫu” đi vào hoạt động đã bộc lộ nhiều bất cập cả về công tác quản lý vận hành lẫn chất lượng công trình.

Theo phản ánh của nhiều công nhân KCN Thăng Long, họ không tiếp cận được với quỹ nhà ở. Khi đến Xí nghiệp Quản lý và Phát triển nhà ở xã hội liên hệ thuê bị “từ chối ” khéo là “hết phòng” hoặc phải có phí “lót tay’’…

Còn với những trường hợp được thuê nhà tại khu nhà ở cũng “dở khóc dở cười”. Bởi, điều kiện hạ tầng không tốt, chất lượng nhà ở quá thấp như thang máy hỏng liên tục và phải chờ rất lâu mới được sửa chữa, nứt sàn, vỡ gạch, trần và tường ẩm mốc, dộp, bong tróc,…

Nhà ở công nhân chuyển công năng thành trung tâm đào tạo

Cũng theo phản ánh của công nhân KCN Thăng Long, nhiều tòa đơn nguyên (5 tầng) được các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động trưng dụng làm trung tâm đào tạo và ký túc xá cho học viên.

Cụ thể, tại các tòa nhà đơn nguyên C1; C2; C3; D5 là “đại bản doanh” của Công ty CP Đầu tư xây dựng và cung ứng nhân lực Hoàng Long (JHL Group), địa chỉ: quận Ba Đình, Hà Nội dùng để làm trung tâm đào tạo tiếng và làm ký túc xá (KTX) cho học viên. Một nhân viên an ninh tòa nhà KTX của Hoàng Long Group cho biết: Trước khi có dịch, KTX có hơn 1.000 học viên ở, hai tòa nhà còn lại dùng để đào tạo tiếng và nghề. Hiện nay đang có dịch, nên chỉ có ít học viên ở lại.

Tại đơn nguyên D3, Công ty Cổ phần Mirai International, địa chỉ quận Nam Từ Liêm, Hà Nội sử dụng làm trung tâm đào tạo tiếng và KTX, hiện cửa đóng then cài không có người ở. 

Tại đơn nguyên D4 có 2 công ty: Công ty CP phát triển Quốc tế Nhật Việt (JV JSC) địa chỉ quận Cầu Giấy và Công ty CP Phát triển nhân lực thương mại và dịch vụ TVC có địa chỉ: quận Nam Từ Liêm thuê làm nơi đào tạo tiếng và nơi lưu trú cho học viên.

Sở dĩ, có hiện tượng như vậy là có sự “bật đèn xanh” của UBND TP. Hà Nội dưới thời cựu Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung khi ban hành văn bản số 913/TB - UBND về công tác quản lý, vận hành sử dụng các diện tích tại khu nhà ở công nhân. Qua đó, chấp thuận đề xuất của Sở Xây dựng về việc mở rộng đối tượng thuê nhà ở công nhân, trong đó cần ưu tiên dành cho công nhân làm việc tại KCN Thăng Long, và các KCN lân cận trên địa bàn TP. Hà Nội, sau đó mở rộng thêm các đối tượng là học viên học nghề thuê để ở thực hiện việc đào tạo và cung ứng lao động có tay nghề cao cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Thừa nhận về việc này, đại diện Xí nghiệp Quản lý và Phát triển nhà ở xã hội trả lời báo chí, cho biết: Hiện có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lao động thuê các tòa nhà dành cho công nhân ở để hoạt động. “Việc cho các doanh nghiệp xuất khẩu lao động thuê đã được “cấp trên” phê duyệt, đến nay, những công ty này hoạt động trên dưới 10 năm” – vị đại diện này nói thêm.

Như vậy, thực tế đang diễn ra tại khu nhà ở công nhân tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội dấy lên những nghi ngờ về năng lực quản lý của đơn vị chủ quản cũng như sự công tâm, khách quan trong công tác quản lý, cho thuê nhà ở công nhân tại dự án này. Đồng thời, chất lượng công trình cũng là vấn đề lớn, quan trọng, cấp thiết cần được đặc biệt quan tâm, cải thiện đảm bảo tinh thần “an cư lạc nghiệp” cho lực lượng công nhân tại khu vực. 

Theo https://congluan.vn/nha-o-cong-nhan-bien-thanh-trung-tam-dao-tao-nghe-post169982.html



Từ Khóa , ,
Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer