(CLO) Liên quan đến vụ án tranh chấp thuê nhà 51 Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), giữa Công ty CP Kính Mắt Hà Nội và Công ty TNHH Phát triển, dự kiến 30.9, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội sẽ xét xử giám đốc thẩm theo quyết định Kháng nghị giám đốc thẩm số: 06/2023/KN-KDTM ngày 26/5/2023.
Như đã thông tin, sau gần 8 năm, qua 2 cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm ra phán quyết, yêu cầu Công ty TNHH Phát triển (Công ty Phát Triển) phải trả tiền thuê nhà, bồi thường thiệt hại, giao trả mặt bằng 51 Trần Nhân Tông cho Công ty CP Kính Mắt Hà Nội (Công ty Kính mắt). Tuy nhiên, tất cả hoạt động thi hành án phải dừng sau khi TAND Cấp cao tại Hà Nội ra quyết định Kháng nghị giám đốc thẩm số 06/2023/KN-KDTM ngày 26/5/2023.
Theo quyết định kháng nghị (QĐKN), TAND Cấp cao tại Hà Nội đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại Hà Nội xét xử giám đốc thẩm theo hướng xem xét hủy toàn bộ 2 bản án sơ thẩm (BAST) và bản án phúc thẩm (BAPT), đồng thời giao hồ sơ cho TAND quận Tây Hồ giải quyết sơ thẩm theo trình tự quy định của pháp luật.
Ở diễn biến khác, theo các chuyên gia pháp lý cho rằng, QĐKN này đang tồn tại nhiều mâu thuẫn, các căn cứ được sử dụng để kháng nghị không đảm bảo, thậm chí đã được giải quyết và làm rõ ở hai bản án trước.
Luật sư Trần Thị Ngọc Trang (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: Kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm là hoạt động tố tụng của người có thẩm quyền của tòa án, viện kiểm sát trong việc phản đối bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, yêu cầu tòa án có thẩm quyền xét lại bản án,quyết định đó khi phát hiện được sai lầm, vi phạm pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án.
"Ở vụ án này, QĐKN không thấy chỉ ra được căn cứ pháp lý cụ thể theo thủ tục giám đốc thẩm quy định tại Điều 326 Khoản 1 Bộ luật Tố tụng dân sự (TTDS) để chứng minh cho các nhận định, phân tích của kháng nghị về những vi phạm, sai lầm của bản án phúc thẩm. Điều này trái với quy định tại Điều 333 khoản 5 và khoản 6 Bộ luật TTDS", Luật sư Trang nhận định.
Cũng theo Luật sư Trang, tại phần đầu QĐKN có nêu căn cứ ra QĐKN là theo Điều 326 Bộ luật TTDS. Theo điều luật này, có ba căn cứ để kháng nghị bản án đã có hiệu lực pháp luật. Điều 333 khoản 5, 6 Bộ luật TTDS cũng quy định QĐKN giám đốc thẩm phải có nhận xét, phân tích những vi phạm, sai lầm của BAPT và căn cứ pháp luật để quyết định kháng nghị. Tuy nhiên, tại QĐKN không đưa ra phân tích, lập luận, căn cứ pháp lý cụ thể nào thể hiện rằng việc kháng nghị giám đốc thẩm này thuộc căn cứ nào trong số 03 căn cứ nêu trên. QĐKN cũng không nêu BAPT vi phạm những quy định nào của pháp luật.
Luật sư Trang cũng cho biết thêm, QĐKN có đặt ra vấn đề “hợp đồng thuê nhà có hiệu lực pháp lý không” trong khi BAST, BAPT đã khẳng định hợp đồng thuê nhà này có giá trị pháp lý.
“Nếu cho rằng hợp đồng thuê nhà không có hiệu lực pháp luật, QĐKN phải lập luận và đưa ra căn cứ tại sao hợp đồng thuê nhà vô hiệu. Nhưng QĐKN đã không chỉ ra được điều đó, do vậy không có căn cứ để bác bỏ nhận định của BAST, BAPT là hợp đồng thuê nhà có giá trị pháp lý”, Luật sư Trang nói.
Xác định lại quyền sở hữu có thật sự cần thiết?
Liên quan đến việc xác định lại quyền sở hữu trong vụ án, Luật sư Nguyễn Hải Yến (Đoàn luật sư TP Hà Nội) nhận định, QĐKN có nội dung cho rằng, nhà 51 Trần Nhân Tông đã được Công ty CP Kính Mắt Hà Nội góp vốn vào Bệnh viện Bán công chuyên khoa mắt là chi nhánh của Công ty CP Kính Mắt Hà Nội là không chính xác với hai bản án trước đó đã chỉ rõ.
"Bởi, Kính Mắt Hà Nội chỉ góp giá trị khai thác, sử dụng nhà 51 Trần Nhân Tông trong thời hạn 07 năm (từ năm 2000 - 2007) cho việc hợp tác giữa hai công ty. Tuy nhiên, sau đó thỏa thuận này cũng đã được chấm dứt qua biên bản thanh lý. Vì vậy không còn cơ sở nào để đưa ra nhận định rằng Kính Mắt Hà Nội đã góp vốn bằng căn nhà 51 Trần Nhân Tông", Luật sư Yến nêu.
Cũng theo Luật sư Yến, tại QĐKN còn có nội dung: “Theo Quyết định của UBND TP Hà Nội thì Bệnh viện Bán công chuyên khoa mắt là pháp nhân phụ thuộc Công ty CP Kính mắt. Bệnh viện Bán công chuyên khoa mắt được xác định là pháp nhân có tài sản hình thành từ tài sản góp vốn của Công ty cổ phần Kính mắt và Công ty TNHH Phát triển”.
Thực tế hồ sơ vụ án cho thấy, bệnh viện Bán công là chi nhánh của Công ty Kính Mắt Hà Nội, theo Điều 84 Bộ luật Dân sự 2015 (tương ứng với Điều 92 khoản 1 Bộ luật Dân sự 2005) “Chi nhánh, văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của pháp nhân, không phải là pháp nhân” nên QĐKN cho rằng, Bệnh viện Bán công là pháp nhân là không chính xác về mặt pháp luật.
Thêm nữa, bệnh viện bán công chuyên khoa mắt Hà Nội mà hai công ty hợp tác thành lập năm 2000 (sau đổi thành Bệnh viện Mắt kỹ thuật cao trực thuộc Kính Mắt Hà Nội) và giải thể vào năm 2016, còn Bệnh viện Mắt kỹ thuật cao Hà Nội trực thuộc Công ty Phát Triển được thành lập năm 2015, là hai đơn vị bệnh viện khác nhau.
"Do đó nhận định “Bệnh viện Bán công chuyên khoa mắt được xác định là pháp nhân có tài sản hình thành từ tài sản góp vốn của Công ty cổ phần Kính mắt và Công ty TNHH Phát triển”rõ ràng không đúng thực tế", Luật sư Yến nêu.
Cũng liên quan đến nội dung này, Luật sư Trần Thị Ngọc Trang cho biết, tại trang 5 của QĐKN cho rằng “Tòa án cấp sơ thẩm và tòa án cấp phúc thẩm đang xác định Công ty CP Kính mắt Hà Nội có quyền sở hữu, sử dụng nhà đất tại 51 Trần Nhân Tông, hợp đồng thuê nhà đất có giá trị pháp lý” nhưng lại đặt vấn đề “Tòa án có thẩm quyền xem xét giải quyết về hợp đồng cho thuê nhưng cần làm rõ giá trị pháp lý của hợp đồng thuê nhà này có hợp pháp hay không…Hợp đồng thuê này có hiệu lực pháp luật hay không”.
Về nội dung này, luật sư Trang cho rằng: Thực tế, quyền của Kính Mắt Hà Nội đối với nhà đất 51 Trần Nhân Tông đã được xác định rõ ràng, Công ty CP Kính Mắt Hà Nội đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất, chính Công ty Phát Triển đã công nhận tại Bản Thanh lý và Hợp đồng thuê nhà Kính Mắt Hà Nội là chủ sở hữu hợp pháp nhà đất 51 Trần Nhân Tông. Những tình tiết này theo Điều 92 Bộ luật TTDS là sự thật, không phải chứng minh. Như vậy nhận định “quyền của Công ty CP Kính Mắt HN đối với nhà, đất 51 Trần Nhân Tông chưa được xác định rõ ràng” là không phù hợp.
"Trong khi ngay phần đầu của QĐKN đã nhận định rằng tòa cấp sơ thẩm, phúc thẩm đã xác định hợp đồng thuê nhà có giá trị pháp lý, đến phần cuối lại cho rằng tòa án cần xem xét hợp đồng thuê nhà này có giá trị pháp lý hay không (tức cho rằng tòa cấp sơ thẩm, phúc thẩm chưa xem xét việc này). Điểm này rất mâu thuẫn trong nhận định của QĐKN", Luật sư Trang nêu.
Nội dung kháng nghị nằm ngoài phạm vi giải quyết? Ngoài ra, Luật sư Trần Thị Ngọc Trang nhận định, QĐKN có dấu hiệu vi phạm nguyên tắc cơ bản quy định tại Điều 5, Khoản 1 Bộ luật Tố tụng dân sự: “Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó”. Theo Luật sư Trang, tại cấp sơ thẩm, Kính Mắt Hà Nội có đơn khởi kiện yêu cầu chấm dứt hợp đồng thuê nhà và buộc Công ty TNHH Phát Triển phải trả lại nhà 51 Trần Nhân Tông cũng như thanh toán các khoản tiền thuê nhà, tiền phạt vi phạm và các khoản tiền khác liên quan. Công ty TNHH Phát Triển (và Bệnh viện Mắt kỹ thuật cao Hà Nội - Chi nhánh Công ty TNHH Phát Triển được coi là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án) không có yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập nào. Điều đó có nghĩa phạm vi giải quyết của tòa án trong vụ án này chỉ giới hạn trong phạm vi đơn khởi kiện của Công ty Cổ phần Kính Mắt Hà Nội. Tuy nhiên, trong quyết định kháng nghị lại nêu nhiều nội dung, vấn đề ngoài phạm vi khởi kiện của Công ty Cổ phần Kính Mắt Hà Nội. |
Theo https://www.congluan.vn/sap-xet-xu-giam-doc-tham-vu-an-tranh-chap-thue-nha-51-tran-nhan-tong-post266455.html