Công ty cổ phần May Lê Trực - Chủ đầu tư dự án 8B Lê Trực - vừa có đơn kiến nghị gửi ông Vương Đình Huệ, Bí thư Thành ủy Thành phố Hà Nội về việc dừng phá dỡ giai đoạn 2 tại dự án này.

Theo chủ đầu tư, dự án 8B Lê Trực thuộc đối tượng không phải cấp phép xây dựng và giấy phép xây dựng cấp cho công trình này cũng sai luật vì không đúng với tiêu chuẩn xây dựng 323/2004 cũng như sai quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500.

Theo doanh nghiệp, 2 quyết định xử phạt vi phạm hành chính của quận Ba Đình vào tháng 10/2015 và tháng 1/2016 cũng là trái pháp luật, đến nay đã hết hiệu lực thi hành vì đã quá 2 năm (theo quy định tại luật Xử lý vi phạm hành chính) nên không còn giá trị thực hiện. Cả 2 quyết định này cũng không có nội dung phá dỡ tầng 17, 18 của tòa nhà.

Doanh nghiệp cũng cho rằng việc UBND quận không căn cứ vào quy hoạch mà chỉ căn cứ vào giấy phép xây dựng để chỉ đạo phá từ 53 m trở lên (đồng nghĩa với việc phá dỡ tầng 17 và 18) là không có căn cứ, trái quy định của pháp luật.

Về kỹ thuật, Công ty CP may Lê Trực cho rằng, công trình có kết cấu dầm treo (tương tự kết cấu cầu treo) nên việc phá dỡ không gia cố sẽ làm sập đổ cả tòa nhà. Tuy nhiên, việc gia cố lại không thực hiện được vì không thể đưa máy móc, thiết bị khoan cao 25 - 30 m vào trong tòa nhà để thi công.

Công ty CP may Lê Trực đồng thời phủ nhận thông tin của Hà Nội cho rằng mình không hợp tác, và khẳng định khi xảy ra vụ việc đã lập phương án tháo dỡ và đang tháo dỡ tầng 20 thì bị UBND quận Ba Đình ra quyết định cưỡng chế, lập chốt bảo vệ không cho người dân và doanh nghiệp vào.

Dự án 8B Lê Trực (Nguồn: Internet)

Theo doanh nghiệp này, việc họ chưa trả chi phí phá dỡ công trình cho thành phố là do hơn 4 năm qua Hà Nội chưa có phương án phá dỡ và hồ sơ thanh toán, nên doanh nghiệp không thể quyết toán.

Theo báo VTC News, liên quan đến vấn đề này, ông Tạ Nam Chiến - Chủ tịch UBND quận Ba Đình - cho rằng, với trách nhiệm của quận, quận không trả lời về giấy phép xây dựng, vấn đề này thuộc thẩm quyền của Sở Xây dựng Hà Nội. “Giấy phép này đúng hay không thì phải hỏi Sở Xây dựng. Tôi khẳng định giấy phép xây dựng đúng và thành phố giao quận thực hiện theo đúng giấy phép xây dựng”, ông Chiến nhấn mạnh.

Về việc phá dỡ tầng 17, 18, ông Chiến cho biết, trong quy định xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại dự án này có mấy tiêu chí như: chiều cao, diện tích sàn. Tầng 17 và 18 tại dự án này vượt quá giấy phép xây dựng về chiều cao và diện tích sàn.

“Đối với dự án 8B Lê Trực, đã phát hiện ra sai phạm và ra quyết định cưỡng chế rồi. Quyết định cưỡng chế thì chỉ hết hiệu lực khi hoàn thành cưỡng chế thôi”, ông Chiến khẳng định.

Theo báo Thanh niên, trước đó tại buổi giao ban báo chí do Thành ủy Hà Nội tổ chức 25/2, rất nhiều phóng viên đã đặt câu hỏi về xử lý vi phạm tại tòa nhà 8B Lê Trực.

Sau khi cho biết UBND quận Ba Đình đã có buổi thông tin cụ thể với báo chí vào ngày 12/2/2020, ông Tạ Nam Chiến, tân Chủ tịch UBND quận này, cho biết: “Về công trình 8B Lê Trực, trách nhiệm để xảy ra vi phạm, tôi cũng đã có ý kiến tại buổi thông tin báo chí tuần trước, là thuộc trách nhiệm quản lý trật tự xây dựng tại địa phương, trước hết là quận Ba Đình. Có thể nói thẳng thắn như vậy”.

Cũng theo ông Chiến, “Công tác xử lý vi phạm thì tôi cũng đã thông tin là gặp vướng mắc nhiều về mặt kỹ thuật. Hiện nay chúng tôi vẫn chưa có phương án thiết kế để đảo đảm thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng là tháo dỡ bộ phận vi phạm của công trình nhưng đảm bảo tuyệt đối an toàn cho bộ phận còn lại, hiện quận Ba Đình vẫn đang tìm kiếm đơn vị tư vấn thiết kế tháo dỡ".

"Chúng tôi đã có báo cáo thành phố về khó khăn vướng mắc, đề nghị chỉ đạo các sở, ngành cùng vào cuộc. Hiện nay, Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đang phối hợp với Quận để có giải pháp”, ông Chiến thông tin thêm.

Nói thêm về hướng xử lý công trình này, ông Phạm Thanh Học, Phó trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, cho biết UBND quận Ba Đình đã có 3 đề xuất lên thành phố. Thứ nhất là cho phép lực lượng công binh của Bộ tư lệnh Thủ đô tham gia tháo dỡ, “nếu cần thiết, thậm chí đề xuất Bộ tư lệnh Công binh vào cuộc”.

Thứ hai là đề xuất Bộ Xây dựng chỉ định một đơn vị tư vấn, thiết kế có năng lực tham gia phá dỡ phần sai phạm.

Thứ ba, đề nghị Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Tài chính hướng dẫn quận việc đấu thầu chọn đơn vị tháo dỡ để “cam kết phá dỡ đảm bảo tiến độ, nhưng quan trọng nhất là đảm bảo an toàn trong quá trình phá dỡ và khi công trình đi vào hoạt động”.

Được biết, từ tháng 3/2016, UBND phường Điện Biên bắt đầu phá dỡ giai đoạn 1 nhưng đến tháng 9/2016 phương án phá dỡ mới được cơ quan chức năng thống nhất.

Anh Tuấn (tổng hợp)

Theo Thuonghieuvaphapluat.vn

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer