Công ty tôi có ký kết một hợp đồng vận tải hàng hóa với công ty B, trong điều khoản hợp đồng có ghi rõ về việc nếu phát sinh tranh chấp thì hai bên sẽ giải quyết tại Trung tâm trọng tài thương mại SG. Xin hỏi nếu sau đó công ty tôi đổi ý không muốn giải quyết bằng trọng tài nữa mà muốn khởi kiện ra Tòa thì có được không?

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với câu hỏi của bạn, chúng tôi trả lời như sau:

Căn cứ pháp lý:

 - Điều 6 Luật Trọng tài thương mại 2010: Trường hợp các bên tranh chấp đã có thoả thuận trọng tài mà một bên khởi kiện tại Toà án thì Toà án phải từ chối thụ lý, trừ trường hợp thoả thuận trọng tài vô hiệu hoặc thoả thuận trọng tài không thể thực hiện được.”

- Điều 3 và Điều 4 Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP

- Điều 43 Luật Trọng tài thương mại 2010: “Trước khi xem xét nội dung vụ tranh chấp, Hội đồng trọng tài phải xem xét hiệu lực của thỏa thuận trọng tài; thỏa thuận trọng tài có thể thực hiện được hay không và xem xét thẩm quyền của mình… Trường hợp không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình, thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc xác định rõ thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được thì Hội đồng trọng tài quyết định đình chỉ việc giải quyết và thông báo ngay cho các bên biết.”

=> Kết luận: Thông thường, khi các bên đã có thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng trọng tài mà một trong hai bên khởi kiện ra Tòa án thì Tòa án sẽ từ chối đơn khởi kiện mà không cần xem xét thỏa thuận trọng tài là vô hiệu hay thỏa thuận trọng tài không thực hiện được. Đồng thời chỉ Hội đồng trọng tài thương mại mới có thẩm quyền xem xét thỏa thuận trọng tài vô hiệu hay thỏa thuận trọng tài không thực hiện được.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp các bên vẫn có thể khởi kiện ra Tòa án để giải quyết tranh chấp mặc dù các bên tranh chấp đã có thỏa thuận trọng tài. Cụ thể như sau:

+ Trường hợp 1: Thỏa thuận trọng tài vô hiệu

Thỏa thuận trọng tài được xem là vô hiệu trong các trường hợp quy định tại Điều 18 Luật Trọng tài thương mại 2010:

“1. Tranh chấp phát sinh trong các lĩnh vực không thuộc thẩm quyền của Trọng tài quy định tại Điều 2 Luật trọng tài thương mại.

2. Người xác lập thoả thuận trọng tài không có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

3. Người xác lập thoả thuận trọng tài không có năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự.

4. Hình thức của thoả thuận trọng tài không phù hợp với quy định tại Điều 16 Luật trọng tài thương mại.

5. Một trong các bên bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép trong quá trình xác lập thoả thuận trọng tài và có yêu cầu tuyên bố thoả thuận trọng tài đó là vô hiệu.

6. Thỏa thuận trọng tài vi phạm điều cấm của pháp luật.”

Khi đó các bên hoàn toàn có thể khởi kiện ra Tòa để giải quyết tranh chấp nếu sau khi Hội đồng trọng tài xem xét hiệu lực của thỏa thuận trọng tài và thông báo quyết định đình chỉ việc giải quyết do thỏa thuận vô hiệu

+ Trường hợp 2: Thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được

Tương tự với trường hợp thỏa thuận trọng tài vô hiệu, sau khi có quyết định đình chỉ giải quyết của Hội đồng trọng tài liên quan đến thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được, một trong hai bên cũng có thể khởi kiện ra Tòa án để giải quyết tranh chấp. Các trường hợp thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được gồm:

1. Các bên đã có thỏa thuận giải quyết tranh chấp tại một Trung tâm trọng tài cụ thể nhưng Trung tâm trọng tài này đã chấm dứt hoạt động mà không có tổ chức trọng tài kế thừa, và các bên không thỏa thuận được việc lựa chọn Trung tâm trọng tài khác để giải quyết tranh chấp.

2. Các bên đã có thỏa thuận cụ thể về việc lựa chọn Trọng tài viên trọng tài vụ việc, nhưng tại thời điểm xảy ra tranh chấp, vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà Trọng tài viên không thể tham gia giải quyết tranh chấp, hoặc Trung tâm trọng tài, Tòa án không thể tìm được Trọng tài viên như các bên thỏa thuận và các bên không thỏa thuận được việc lựa chọn Trọng tài viên khác để thay thế.

3. Các bên đã có thỏa thuận cụ thể về việc lựa chọn Trọng tài viên trọng tài vụ việc, nhưng tại thời điểm xảy ra tranh chấp, Trọng tài viên từ chối việc được chỉ định hoặc Trung tâm trọng tài từ chối việc chỉ định Trọng tài viên và các bên không thỏa thuận được việc lựa chọn Trọng tài viên khác để thay thế.

4. Các bên có thỏa thuận giải quyết tranh chấp tại một Trung tâm trọng tài nhưng lại thỏa thuận áp dụng Quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài khác với Quy tắc tố tụng trọng tài của Trung tâm trọng tài đã thỏa thuận và điều lệ của Trung tâm trọng tài do các bên lựa chọn để giải quyết tranh chấp không cho phép áp dụng Quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài khác và các bên không thỏa thuận được về việc lựa chọn Quy tắc tố tụng trọng tài thay thế.

5. Nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng có điều khoản về thỏa thuận trọng tài được ghi nhận trong các điều kiện chung về cung cấp hàng hoá, dịch vụ do nhà cung cấp soạn sẵn quy định tại Điều 17 Luật TTTM nhưng khi phát sinh tranh chấp, người tiêu dùng không đồng ý lựa chọn Trọng tài giải quyết tranh chấp.

 

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu còn vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer