Chào luật sư, theo như tôi được biết thì người bị tạm giam vẫn có quyền được thăm gặp người nhà. Mà chồng tôi cũng đang bị tạm giam vì tội mua bán trái phép chất ma túy. Tôi muốn đến thăm gặp nhưng lại sợ không được vào thăm. Luật sư có thể cho tôi biết, có trường hợp nào mà thân nhân người đang bị tạm giam đã thực hiện đúng các thủ tục nhưng lại không được gặp người đang bị tạm giam không? Mong được giải đáp.

Nguồn ảnh: Internet

Trả lời:

Chào bạn. Cám ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Công Ty Luật TNHH Sao Việt. Để giải đáp vấn đề của bạn, chúng tôi sẽ tư vấn cho bạn như sau:

1. Căn cứ pháp lý:

Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015

2. Nội dung tư vấn

         Trước hết, theo thông tin chồng bạn đang bị tạm giam vì tội mua bán trái phép chất ma túy. Mà bạn là vợ của anh ấy nên bạn được xác định là thân nhân của người bị tạm giam theo quy định tại khoản 8 Điều 3 Luật thi hành tạm giữ tạm giam năm 2015, theo đó: “Thân nhân của người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người có quan hệ ông bà nội, ông bà ngoại; bố mẹ đẻ, bố mẹ nuôi, bố mẹ vợ, bố mẹ chồng; vợ, chồng; anh chị em ruột hoặc con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể với người bị tạm giữ, người bị tạm giam; cháu ruột với người bị tạm giữ, người bị tạm giam mà người bị tạm giữ, người bị tạm giam là ông bà nội, ông bà ngoại.

          Về vấn đề thăm gặp người đang bị tạm giam thì pháp luật hiện hành có quy định về quyền được thăm gặp của người đang bị tạm giam đối với thân nhân của họ. Cụ thể theo Điều 22 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 thì người bị tạm giam (ở đây là chồng của bạn) được quyền gặp thân nhân một lần trong một tháng. Trường hợp nếu tăng số lần gặp hoặc người gặp không phải là thân nhân của bị tạm giam thì phải được cơ quan đang thụ lý vụ án đồng ý. Thời gian mỗi lần gặp thì không được quá 1 giờ.

        Đồng thời, để có thể thăm gặp người bị tạm giam thì người đến thăm gặp (ở đây là bạn – thân nhân của chồng bạn) phải xuất trình đầy đủ các giấy tờ tùy thân, cũng như giấy tờ khác để xác nhận quan hệ của họ đối với người bị tạm giam. Việc thăm gặp của thân nhân phải thực hiện đúng các quy định của cơ sở giam giữ, và được giám sát, theo dõi theo quy định. Thủ trưởng của cơ sở giam giữ sẽ quyết định cụ thể thời điểm thăm gặp và thông báo cho cơ quan đang thụ lý vụ án về việc thăm gặp người bị tạm giam.

         Tuy nhiên, trong một số trường hợp, việc thăm gặp sẽ không được thực hiện. Cụ thể khoản 4 Điều 22 Luật thi hành tạm giữ tạm giam năm 2015 có quy định Thủ trưởng cơ sở giam giữ không đồng ý cho thân nhân của người bị tạm giam tạm giữ thực hiện việc thăm gặp người bị tạm giam, tạm giữ, tạm giam trong một số trường hợp như sau:

          Một là, trường hợp thân nhân không xuất trình được giấy tờ tùy thân hay những giấy tờ khác để chứng minh quan hệ của họ đối với người bị tạm giam, tạm giữ..

           Hai là trường hợp, cơ quan thụ lý vụ án có văn bản đề nghị không cho người đang bị tạm giam, tạm giữ được gặp thân nhân của họ vì lý do có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc giải quyết vụ án.

          Ba là, trường hợp khẩn cấp cơ sở giam giữ đang đang có người bị tạm giữ, tạm giam bỏ trốn và cần thực hiện các biện pháp khẩn cấp để bảo vệ an toàn cho cơ sở giam giữ.

         Bốn là, trường hợp đang có dịch bệnh xảy ra tại khu vực có cơ sở giam giữ. Trường hợp này để đảm bảo an toàn cho cơ sở giam giữ, cũng như phạm nhân, người bị tạm giam, tạm giữ cũng như người thăm gặp, tránh lây lan dịch bệnh thì Thủ trưởng không đồng ý cho thăm gặp.

         Năm là, trường hợp người bị tạm giam, tạm giữ đang bị mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A hoặc đang phải cấp cứu.

         Sáu là, trường hợp người đang bị tạm giam, tạm giữ đang trong quá trình lấy lời khai, đang bị hỏi cùng hoặc đang tham gia hoạt động tố tụng khác.

        Bảy là, trường hợp bản thân người đang bị tạm giam, tạm giữ không đồng ý thăm gặp. Trường hợp này, bản thân người thăm gặp (mà ở đây) là thân nhân sẽ được gặp người bị tạm giữ, tạm giam để xác nhận về việc không đồng ý thăm gặp.

         Tám là, trường hợp người đến thăm gặp (ở đây là thân nhân của người bị tạm giam) đã có hành vi cố ý vi phạm các nội quy, quy định của cơ sở giam giữ từ 2 lần trở lên.

       Chín là, trường hợp người đang bị tạm giữ, tạm giam đang bị cách ly ở buồng kỷ luật theo khoản 3 Điều 23 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015. Trong đó theo quy định tại khoản 3 Điều 23 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 thì đây là trường hợp người bị tạm giữ tạm giam bị kỷ luật vì “có hành vi chống phá quyết liệt cơ sở giam giữ, tự sát, tự gây thương tích cho bản thân, xâm phạm tính mạng, sức khỏe của người khác”

         Như vậy, Căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 22 Luật thi hành tạm giữ tạm giam năm 2015 được trích dẫn ở trên, có thể thấy, không phải mọi trường hợp, bạn – vợ của người đang bị tạm giam thực hiện đầy đủ các thủ tục thì đều có thể được gặp người bị tạm giam. Mà trong một số trường hợp nhất định đã được phân tích ở trên thì Thủ trưởng cơ quan đơn vị nơi giam giữ chồng bạn vẫn có quyền quyết định không cho bạn thăm gặp chồng bạn  - người đang bị tạm giam theo quy định.

 

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu còn vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

 

 

 

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer