Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển, các kênh bán hàng online “ầm ầm” ra đời, trở thành công cụ kết nối hữu hiệu giữa người mua và người bán. Một trong các kênh bán hàng online hiệu quả đang được nhiều bạn trẻ, nhiều doanh nghiệp áp dụng hiện nay đó là “FACEBOOK”.  Vậy: Bán hàng trên Facebook có phải đăng ký không?

Dưới đây là những giải đáp, nhận định của Công ty luật Sao Việt về vấn đề nêu trên.
“Bán hàng trên Facebook có phải đăng ký không?”, theo Chúng tôi thì nghĩa vụ đăng ký ở đây cần được hiểu và làm rõ theo 2 khía cạnh sau: n
ghĩa vụ đăng ký kinh doanh với Cơ quan đăng ký kinh doanh và nghĩa vụ đăng ký hoạt động thương mại điện tử với Bộ Công thương.Trên cơ sở đó, Chúng tôi đưa ra các nhận định sau:
1. Không phải mọi trường hợp Bán hàng trên Facebook đều “giảm" được nghĩa vụ đăng ký kinh doanh với Cơ quan đăng ký kinh doanh
Theo quy định hiện hành thì tất cả các tổ chức, cá nhân khi tham gia hoạt động kinh doanh thì đều phải đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh trừ trường hợp là cá nhân hoạt động thương mại theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định 39/2007/NĐ-CP.
Cụ thể:
“1. Cá nhân hoạt động th­ương mại là cá nhân tự mình hàng ngày thực hiện một, một số hoặc toàn bộ các hoạt động đ­ược pháp luật cho phép về mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác như­ng không thuộc đối t­ượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh và không gọi là “th­ương nhân” theo quy định của Luật Thương mại. Cụ thể bao gồm những cá nhân thực hiện các hoạt động th­ương mại sau đây:
a) Buôn bán rong (buôn bán dạo) là các hoạt động mua, bán không có địa điểm cố định (mua rong, bán rong hoặc vừa mua rong vừa bán rong), bao gồm cả việc nhận sách báo, tạp chí, văn hóa phẩm của các th­ương nhân đ­ược phép kinh doanh các sản phẩm này theo quy định của pháp luật để bán rong;
b) Buôn bán vặt là hoạt động mua bán những vật dụng nhỏ lẻ có hoặc không có địa điểm cố định;
c) Bán quà vặt là hoạt động bán quà bánh, đồ ăn, n­ước uống (hàng nước) có hoặc không có địa điểm cố định;
d) Buôn chuyến là hoạt động mua hàng hóa từ nơi khác về theo từng chuyến để bán cho người mua buôn hoặc ng­ười bán lẻ;
đ) Thực hiện các dịch vụ: đánh giày, bán vé số, chữa khóa, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh và các dịch vụ khác có hoặc không có địa điểm cố định;
e) Các hoạt động thương mại một cách độc lập, th­ường xuyên không phải đăng ký kinh doanh khác”.

Như vậy, nếu bạn không thuộc các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định 39/2007/NĐ-CP nêu trên thì vẫn phải đăng ký kinh doanh với cơ quan đăng ký kinh doanh bình thường. Facebook chỉ đơn thuần là phương thức, công cụ để bạn thực hiện việc kinh doanh, chứ không làm giảm đi nghĩa vụ đăng ký kinh doanh. Đăng ký dưới hình thức nào: hộ kinh doanh hay doanh nghiệp thì tùy thuộc vào lựa chọn của bạn, trên cơ sở cân nhắc ưu, nhược điểm của từng hình thức và sự phù hợp với quy định của pháp luật.

2. Cá nhân, tổ chức tham gia bán hàng trên Facebook không phải đăng ký hoạt động thương mại điện tử với Bộ Công thương
Căn cứ quy định tại Điều 6 Thông tư 47/2014/TT – BTC thì chỉ những thương nhân, tổ chức thiết lập ra mạng xã hội có chức năng sàn giao dịch thương mại điện tử mới phải đăng ký với Bộ công thương. Những người bán hàng trên các mạng xã hội sẽ không phải đăng ký.
Thực tế, Chúng ta đều biết, Facebook là một trang mạng xã hội, do đó các cá nhân, tổ chức bán hàng trên Facebook sẽ không phải đăng ký hoạt động thương mại điện tử với Bộ Công thương. Tuy không phải đăng ký hoạt động thương mại điện tử nhưng các bạn vẫn phải thực hiện đúng, đầy đủ các nghĩa vụ sau:
- Cung cấp đầy đủ và chính xác thông tin người bán hàng:
+ Đối với cá nhân: tên, địa chỉ thường trú, mã số thuế cá nhân của cá nhân, số điện thoại hoặc một phương thức liên hệ trực tuyến khác.
+ Đối với thương nhân/tổ chức: tên, địa chỉ trụ sở, số, ngày cấp và nơi cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh/Quyết định thành lập, số điện thoại hoặc một phương thức liên hệ trực tuyến khác.
- Cung cấp đầy đủ và chính xác thông tin về: hàng hóa, dịch vụ, giá cả, phương thức thanh toán, phương thức giao nhận, chính sách bảo hành hàng hóa.
- Cung cấp thông tin về tình hình kinh doanh của mình khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ hoạt động thống kê thương mại điện tử.
- Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật.
- Tuân thủ quy định của pháp luật về thanh toán, quảng cáo, khuyến mại, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các quy định của pháp luật có liên quan khác khi bán hàng hóa, dịch vụ.
Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer