Hỏi: 

Tháng 8 năm 2009  anh Hoàng Ngọc Long vay của anh Nguyễn Trọng Quản 100 triệu đồng và hẹn đến tháng 8 năm 2013 sẽ trả. Nhưng đến tháng 8 năm 2013 anh Quản đòi tiền thì anh Long nói là đang dồn vốn vào làm ăn; anh của anh Long là anh Phước đứng lên bảo lãnh và cam kết rằng đến tháng 2 năm 2014 anh sẽ trả đủ cho anh Quản. Nhưng cho đến tháng 3 năm 2014 anh Long cũng không có khả năng thanh toán cho anh Quản số tiền trên. Khi anh Quản yêu cầu anh Phước phải trả tiền thay cho anh Long thì anh Phước không đồng ý và nói là "thời điểm tôi đứng ra bảo lãnh là sau khi anh Long vay tiền của anh (Quản), cho nên tôi không có trách nhiệm đối quan hệ pháp luật phát sinh trước khi tôi bảo lãnh ". Vậy xin hỏi "Bảo lãnh" theo Bộ luật Dân sự được quy định như thế nào? Anh Phước có phải trả tiền thay cho anh Long không?
Đáp: 
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về cho chúng tôi, câu hỏi của bạn Công ty Luật TNHH Sao Việt xin tư vấn như sau:
Điều 361 Bộ luật dân sự 2005 quy định như sau: “ Bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi tắt là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Các bên cũng có thể thỏa thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ khi bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình.”
Theo quy định tại Điều 362 Bộ luật dân sự 2005 thì việc bảo lãnh cần phải được lập thành văn bản, có thể lập văn bản riêng hoặc ghi trong hợp đồng chính. Trong trường hợp pháp luật có quy định thì văn bản bảo lãnh phải được công chứng hoặc chứng thực.
Do đó, việc anh Phước có phải trả nợ thay anh Long hay không cần xét hai trường hợp sau:
Trường hợp 1:  Anh Phước chỉ cam kết bảo lãnh bằng miệng
Như vậy trong trường hợp việc bảo lãnh không đáp ứng về mặt hình thức theo quy định của pháp luật hay nói cách khác lời cam kết của anh Phước không có giá trị ràng buộc buộc anh phải trả nợ thay anh Long.
Trường hợp 2:  Anh Phước có làm văn bản cam kết với anh Quản về việc bảo lãnh
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì tuỳ từng trường hợp cụ thể mà nghĩa vụ, trách nhiệm bảo lãnh được xác định như sau:

  • Trong trường hợp việc bảo lãnh là điều kiện để xác định quan hệ pháp luật thì nghĩa vụ bảo lãnh phải được xác định trước khi xác lập quan hệ pháp luật đó. Ví dụ: theo quy định tại thể lệ tín dụng Ngân hàng thì để ký hợp đồng cho vay phải có bảo lãnh, thế chấp tài sản thì nghĩa vụ bảo lãnh được xác định trước khi xác lập hợp đồng cho vay.
  • Trong trường hợp bảo lãnh cũng được tiến hành trong khi xác lập quan hệ pháp luật thì nghĩa vụ bảo lãnh được xác định trong khi xác lập quan hệ pháp luật.
  • Nếu sau khi đã xác lập quan hệ pháp luật mới có việc bảo lãnh thì nghĩa vụ bảo lãnh được xác định sau khi xác lập quan hệ pháp luật.

Tuy nhiên cần chú ý rằng trên đây chỉ là việc xác định nghĩa vụ của người bảo lãnh song nghĩa vụ bảo lãnh chỉ phát sinh và người bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh khi và chỉ khi nếu hết thời hạn mà người được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Do đó, trong trường hợp này anh Phước sẽ phải trả tiền thay anh Long.

Trên đây là tư vấn của công ty luật Sao Việt, nếu có thêm thắc mắc quý khách vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số hotline: 1900 6243.

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer