Tôi là mẹ đơn thân, trước đây vì không có khả năng nuôi con nên tôi đã cho cháu làm con nuôi một gia đình khác. Bố mẹ nuôi cũng đã hoàn tất các thủ tục giấy tờ nhận nuôi cháu. Khoảng 2 năm sau đó, tôi được tin bố nuôi của cháu bị Công an bắt giữ do thường xuyên đánh đập, bạo hành cháu. Tôi rất thương con và muốn nhận lại cháu để chăm sóc nuôi dưỡng. Xin hỏi tôi phải đến cơ quan nào và làm những thủ tục gì để được nhận lại con?

Trả lời: 

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

Nuôi con nuôi là một trong những sự kiện pháp lý quan trọng có ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của đứa trẻ. Theo đó sau khi thiết lập quan hệ nuôi con nuôi, bố mẹ đẻ chỉ có thể nhận lại con nếu quan hệ nuôi con nuôi đã chấm dứt.

1, Các trường hợp chấm dứt việc nuôi con nuôi

Căn cứ theo quy định tại Điều 25 Luật nuôi con nuôi 2010, việc nuôi con nuôi có thể bị chấm dứt nếu có một trong các căn cứ sau đây:

- Con nuôi đã thành niên và cha mẹ nuôi tự nguyện chấm dứt việc nuôi con nuôi;

- Con nuôi bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của cha mẹ nuôi; ngược đãi, hành hạ cha mẹ nuôi hoặc con nuôi có hành vi phá tán tài sản của cha mẹ nuôi;

- Cha mẹ nuôi bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con nuôi; ngược đãi, hành hạ con nuôi;

- Việc nhận nuôi con nuôi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức như:

 + Lợi dụng việc nuôi con nuôi để trục lợi, bóc lột sức lao động, xâm hại tình dục; bắt cóc, mua bán trẻ em.

+ Giả mạo giấy tờ để giải quyết việc nuôi con nuôi.

+ Phân biệt đối xử giữa con đẻ và con nuôi.

+ Lợi dụng việc cho con nuôi để vi phạm pháp luật về dân số.

+ Lợi dụng việc làm con nuôi của thương binh, người có công với cách mạng, người thuộc dân tộc thiểu số để hưởng chế độ, chính sách ưu đãi của Nhà nước.

+ Ông, bà nhận cháu làm con nuôi hoặc anh, chị, em nhận nhau làm con nuôi.

+ Lợi dụng việc nuôi con nuôi để vi phạm pháp luật, phong tục tập quán, đạo đức, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

2, Người có quyền yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi:

Theo quy định tại Điều 26 Luật Nuôi con nuôi 2010, người có quyền yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi gồm:

- Cha mẹ nuôi.

- Con nuôi đã thành niên.

- Cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ của con nuôi.

- Cơ quan lao động, thương binh và xã hội hoặc Hội liên hiệp phụ nữ có quyền yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi khi có một trong các căn cứ để chấm dứt nuôi con nuôi ở trên (trừ trường hợp con nuôi đã thành niên và cha mẹ nuôi tự nguyện chấm dứt việc nuôi con nuôi).

=>> Như vậy, với tư cách là mẹ đẻ, bạn hoàn toàn có quyền yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi khi cha mẹ nuôi phạm tội hành hạ, làm nhục, cố ý gây thương tích đối với con nuôi…hoặc thuộc một trong các trường hợp nêu trên.

3, Thủ tục chấm dứt việc nuôi con nuôi?

Theo quy định tại khoản 5 Điều 29 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi là yêu cầu dân sự, thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Do đó để thực hiện thủ tục này, người có yêu cầu phải thực hiện theo trình tự như sau:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ yêu cầu giải quyết việc nuôi con nuôi. Thành phần hồ sơ gồm:

+ Đơn yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi. Nội dung đơn gồm : Ngày, tháng, năm làm đơn; Tên Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc dân sự; Tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người yêu cầu; Những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết và lý do, mục đích, căn cứ của việc yêu cầu Tòa án giải quyết việc chấm dứt nuôi con nuôi; Tên, địa chỉ của những người có liên quan đến việc giải quyết việc dân sự đó (nếu có); Các thông tin khác mà người yêu cầu xét thấy cần thiết cho việc giải quyết yêu cầu của mình;

Lưu ý: Người yêu cầu là cá nhân phải ký tên hoặc điểm chỉ, nếu là cơ quan, tổ chức thì đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó phải ký tên và đóng dấu vào phần cuối đơn.

+ Các tài liệu, chứng cứ kèm theo như: giấy xác nhận nơi cư trú (hộ khẩu), bản sao chứng thực căn cước công dân, chứng minh nhân dân, giấy khai sinh của con nuôi, bản án của Tòa án về việc cha mẹ nuôi phạm các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, bạo hành con nuôi,…

Bước 2: Gửi đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền

Cơ quan có thẩm quyền giải quyết yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi là Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cha mẹ nuôi hoặc con nuôi cư trú, làm việc ( Điều 10 Luật Nuôi con nuôi, khoản 4 Điều 35, khoản 2 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015)

Bước 3: Tiếp nhận và giải quyết

Ngay sau khi tiếp nhận đơn: trong thời hạn 03 ngày làm việc, Chánh án phân công Thẩm phán giải quyết đơn yêu cầu. Trường hợp chưa đầy đủ nội dung thì được sửa đổi, bổ sung trong 07 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu. Nếu không sửa đổi, bổ sung đơn yêu cầu thì Thẩm phán trả lại đơn yêu cầu và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho họ.

Trường hợp xét thấy đơn yêu cầu và tài liệu, chứng cứ kèm theo đã đủ điều kiện thụ lý thì:

a) Người yêu cầu nộp lệ phí trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo nộp lệ phí, trừ trường hợp người đó được miễn hoặc không phải nộp lệ phí theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí. Mức lệ phí hiện nay là 300.000 đồng

b) Người yêu cầu nộp cho Tòa án biên lai thu tiền lệ phí - Tòa án thụ lý đơn yêu cầu

Thời gian thực hiện: tối thiểu 02 tháng.

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com


 

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer