Chị An: Chào luật sư, em và chồng kết hôn với nhau được 3 năm. Từ năm ngoái hai vợ chồng em đã bắt đầu nảy sinh nhiều mâu thuẫn, cho đến nay mối quan hệ giữa cả hai ngày càng căng thẳng, không thể hàn gắn nên chúng em thống nhất ly hôn. Tuần trước em đã gửi đơn xin ly hôn lên Tòa án. Tuy nhiên trong thời gian chờ Tòa án gọi lên giải quyết, không may chồng em bị tai nạn lao động và đã qua đời. Xin hỏi trong trường hợp này em có được hưởng thừa kế tài sản của chồng không?

Nguồn ảnh: Internet.

Trả lời

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

Theo quy định tại Điều 57 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014: “quan hệ hôn nhân chấm dứt kể từ ngày bản án, quyết định ly hôn của Tòa án có hiệu lực pháp luật”. Do đó về mặt pháp lý, trong thời gian chờ Tòa án giải quyết ly hôn (chưa ra quyết định ly hôn) thì quan hệ hôn nhân giữa hai bên vẫn đang tồn tại. Hai bạn vẫn là vợ chồng trên pháp luật, được pháp luật công nhận và bảo vệ.

Hơn nữa tại điều 655 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định về việc thừa kế trong trường hợp vợ, chồng đã chia tài sản chung; vợ, chồng đang xin ly hôn hoặc đã kết hôn với người khác như sau:

Điều 655. Việc thừa kế trong trường hợp vợ, chồng đã chia tài sản chung; vợ, chồng đang xin ly hôn hoặc đã kết hôn với người khác

1. Trường hợp vợ, chồng đã chia tài sản chung khi hôn nhân còn tồn tại mà sau đó một người chết thì người còn sống vẫn được thừa kế di sản.

2. Trường hợp vợ, chồng xin ly hôn mà chưa được hoặc đã được Tòa án cho ly hôn bằng bản án hoặc quyết định chưa có hiệu lực pháp luật, nếu một người chết thì người còn sống vẫn được thừa kế di sản.

3. Người đang là vợ hoặc chồng của một người tại thời điểm người đó chết thì dù sau đó đã kết hôn với người khác vẫn được thừa kế di sản.

Như vậy, đối chiếu với trường hợp của bạn, bạn và chồng đang thực hiện thủ tục ly hôn (chưa có bản án, quyết định của Tòa án) nhưng không may chồng bị tai nạn lao động, qua đời và không để lại di chúc, khi đó bạn vẫn được hưởng thừa kế tài sản của chồng bạn. Do bạn không nêu rõ thông tin chồng bạn mất có để lại di chúc hay không nên sẽ có 2 trường hợp xảy ra như sau:

Trường hợp chồng của bạn trước đây có lập di chúc thì sau khi mất, di sản thừa kế sẽ được chia theo di chúc. Mặc dù được chia theo di chúc nhưng nếu bạn không có tên trong di chúc hoặc chỉ được hưởng phần di sản ít hơn thì với tư cách là vợ, bạn vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật. 

Trường hợp chồng bạn không có di chúc thì di sản thừa kế được chia theo quy định của pháp luật. Khi đó vợ thuộc hàng thừa kế thứ nhất sẽ được hưởng một phần tài sản của chồng theo quy định tại Điều 651 Bộ luật dân sự 2015

Lưu ý : nếu cả 2 bạn đã hoàn tất thủ tục ly hôn và thỏa thuận xong về vấn đề tài sản, con cái, không còn gì liên quan đến nhau nữa thì sau khi chồng cũ mất, bạn không thuộc diện được hưởng di sản thừa kế từ chồng cũ nữa.

Nếu 2 bạn đã ly hôn nhưng bản án của tòa án vẫn chưa có hiệu lực pháp luật, ví dụ quá trình ly hôn chưa hoàn tất, có sai sót hoặc 1 trong 2 đang làm đơn kháng cáo gửi lên Tòa phúc thẩm thì bạn vẫn sẽ được hưởng di sản thừa kế khi chồng mất.

Trường hợp cả 2 chưa tiến hành ly hôn được thì chồng bạn mất nhưng hai vợ chồng đã chia tài sản khi hôn nhân còn tồn tại thì bạn vẫn được hưởng di sản thừa kế.

Trường hợp bạn đã kết hôn với người khác, luật quy định nếu đang là vợ chồng tại thời điểm chồng chết thì sau đó có kết hôn với người khác thì vẫn được hưởng di sản thừa kế.

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

 

 

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer