Mấy hôm trước, vợ tôi có đặt một đơn hàng trên Shopee gửi về địa chỉ công ty tôi, khi shipper giao hàng tôi mới biết là không được kiểm tra trước khi thanh toán. Vậy tôi muốn hỏi chính sách không được kiểm tra hàng có phù hợp với quy định của pháp luật không? Và trong trường hợp không được kiểm tra hàng, tôi phải làm như thế nào để bảo vệ quyền lợi của mình?

Ảnh minh họa: Internet

Trả lời:

Chào bạn. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

Xu hướng mua hàng online ngày càng phát triển mạnh mẽ, đặc biệt sau khi các trang thương mại điện tử như Lazada, shopee, sendo, tiki…ra đời. Thay vì việc phải ra cửa hàng lựa chọn thì giờ đây người mua có thể sử dụng smartphone để mua bán, hay thanh toán bất kì sản phẩm nào. Tuy nhiên, có một điều đáng lưu ý khi mua hàng online trên các trang thương mại điện tử, đó là quy định về việc người mua không được kiểm tra hàng hóa trước khi nhận/ thanh toán. Liệu điều khoản này có trái với quy định tại khoản 1 Điều 9 Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2010 và người tiêu dùng phải làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình?

Thứ nhất, quy định không được kiểm hàng trước khi nhận trên các trang thương mại điện tử có trái quy định pháp luật không?

Mặc dù theo quy định của Luật bảo vệ người tiêu dùng hay Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử, thì “người tiêu dùng có nghĩa vụ kiểm tra hàng hóa trước khi nhận; lựa chọn tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không làm tổn hại đến môi trường, trái với thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội, không gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe của mình và của người khác; thực hiện chính xác, đầy đủ hướng dẫn sử dụng hàng hóa, dịch vụ”.

Tuy nhiên, bản chất của việc mua sắm hàng hóa trên các trang thương mại điện tử cũng chính là một giao dịch dân sự, trong đó, sàn thương mại điện tử đóng vai trò trung gian, là cầu nối giữa người mua và người bán. Các quy định, điều khoản về việc mua bán, thanh toán trên các sàn thương mại điện tử sẽ được quy định theo hướng hài hòa giữa quyền và lợi ích của cả hai bên, nhưng vẫn trên tinh thần tuân thủ các quy định của pháp luật. Vì bản chất là một giao dịch dân sự, cụ thể là hợp đồng mua bán hàng hóa, đương nhiên hai bên có quyền tự thỏa thuận những nội dung pháp luật không cấm bao gồm cả việc có được kiểm tra hàng hóa trước khi nhận hay không. Đa số trên các trang thương mại điện tử, điều khoản không được kiểm tra hàng trước khi nhận được mặc định trong chính sách mua bán hàng hóa, nếu người mua mua hàng trên trang thương mại điện tử đó (mà không có sự thỏa thuận nào khác với người bán) thì đồng nghĩa với việc chấp nhận chính sách không kiểm tra hàng trước khi thanh toán. Như vậy, việc quy định điều khoản không được kiểm tra hàng trước khi nhận trên các trang thương mại điện tử là phù hợp với quy định pháp luật.

Thứ hai, làm thế nào để bảo vệ quyền lợi của mình khi mua hàng online:

Trên thực tế, có không ít những trường hợp mua phải hàng giả, kém chất lượng chỉ vì không được xem hàng trước.Tình trạng “treo đầu dê, bán thịt chó” xảy ra khá nhiều nhất là khi một số đối tượng vin vào lý do không được xem hàng trước khi thanh toán để trục lợi cá nhân. Mặc dù vậy, chúng ta cũng không thể không phủ nhận quy định về việc không cho xem hàng trước khi thanh toán, nhằm góp phần hạn chế tối đa rủi ro cho cả bên vận chuyển và bên người bán, nhưng cũng là một trở ngại lớn đối với tâm lý của người mua nhất là đối với những đơn hàng có giá trị cao, những nhu yếu phẩm liên quan đến tính mạng, sức khỏe con người như mỹ phẩm, thực phẩm chức năng......

Vậy đứng trước không gian mua sắm bất tận đó, ngoài việc chỉ trông chờ vào chữ tâm của nhà bán hàng, người mua có thể tự bảo vệ quyền lợi của mình như  thế nào để tránh bị tiền mất tật mang. Dưới đây là một vài giải pháp của Luật Sao Việt giúp bảo vệ người tiêu dùng trước tình trạng nói trên:

Trước khi mua hàng: Người mua nên tham khảo và lựa chọn nhà bán hàng uy tín, đồng thời thỏa thuận với nhà bán hàng về chính sách kiểm tra hàng trước khi thanh toán, chính sách đổi trả hàng nếu không giao đúng chủng loại, mẫu mã.

Trường hợp mua phải hàng giả, không đúng chủng loại, mẫu mã: Trong trường hợp này, trước tiên, người tiêu dùng nên thương lượng, trao đổi lại với người bán hàng để tìm ra phương án giải quyết tối ưu nhất. Do việc khởi kiện ra Tòa án thường khá tốn kém, mất thời gian, nên chỉ khi hai bên không thể thỏa thuận được thì người mua có thể làm đơn khởi kiện ra Tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự, kèm theo bằng chứng chứng minh hàng hóa không đúng chủng loại, mẫu mã, không đảm bảo chất lượng.

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

 

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer