Khi những ngày Tết đang cận kề thì câu chuyện dở khóc dở cười về những chiếc giỏ quà Tết lại một lần nữa trở thành tâm điểm trên các trang mạng xã hội. Xuất phát từ nhu cầu mua giỏ quà Tết để biếu, đi lễ lại cộng thêm sự bận rộn cuối năm nên nhiều người đã chuyển hướng sang mua hàng online, đặt giỏ quà tết qua mạng thay vì mua sắm trực tiếp tại các trung tâm thương mại.

Những tưởng hàng được nhận sẽ y như quảng cáo, tuy nhiên trên thực tế có không ít trường hợp khi nhận, người tiêu dùng mới tá hỏa vì vỏ một đằng, ruột một nẻo, dù hình thức hộp đựng bên ngoài rất đẹp và bắt mắt nhưng chất lượng của sản phẩm bên trong lại không tương xứng với giá thành, thậm chí còn trộn lẫn thêm hàng nhái, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Đứng trước thực trạng nêu trên, người tiêu dùng cần làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình?

Ảnh minh họa: Internet

Trước khi mua hàng: Người mua nên tham khảo và lựa chọn nhà bán hàng uy tín. Vì bản chất của mua bán hàng hóa qua mạng là một giao dịch dân sự do đó hai bên có quyền tự thỏa thuận những nội dung pháp luật không cấm bao gồm về chất lượng, mẫu mã, số lượng, giá thành sản phẩm, chính sách kiểm tra hàng hóa trước khi nhận, đổi trả hàng, bồi thường nếu không đúng như thỏa thuận…Đặc biệt đối với những giỏ quà có giá trị lớn, hai bên nên lập thành hợp đồng mua bán. 

Khi nhận hàng: nếu không may mua phải giỏ quà Tết kém chất lượng, người tiêu dùng cần lưu giữ lại các bằng chứng như hình ảnh, video mở sản phẩm, hóa đơn chứng từ, tin nhắn thỏa thuận làm cơ sở khiếu nại người bán. Tùy theo từng trường hợp cụ thể, người tiêu dùng có thể lựa chọn phương thức xử lý như sau:

+ Trước tiên, người mua nên thương lượng, trao đổi lại với người bán để tìm ra phương án giải quyết tốt nhất như đổi trả hàng, hoàn trả một phần giá trị sản phẩm…Như đã đề cập, vì bản chất của mua bán hàng hóa là giao dịch dân sự, do đó pháp luật tôn trọng và khuyến khích hai bên tự thỏa thuận, tuy nhiên không phải trường hợp nào hai bên cũng có thể thống nhất phương án xử lý với nhau, vì vậy trong trường hợp người bán trốn tránh không chịu trách nhiệm, hoặc người mua làm quá sự việc thì có thể lựa chọn phương thức giải quyết khác như khởi kiện ra Tòa, bóc phốt trên mạng để cảnh giác những người khác. Xem thêm Bóc phốt trên mạng thế nào cho đúng luật

+ Khởi kiện ra Tòa: Đối với những hàng hóa có giá trị nhỏ, thì việc khởi kiện ra Tòa không phải phương án tối ưu vì chi phí khởi kiện khá tốn kém, mất thời gian. Hơn nữa việc mua quà Tết qua mạng/ mua trực tiếp tại các cửa hàng thường không có hợp đồng hay hóa đơn chứng từ nên gần như không có cơ sở để Tòa án phân định và giải quyết. Chỉ khi giá trị đơn hàng lớn hoặc có bằng chứng chứng minh hàng hóa không đúng chủng loại, mẫu mã, không đảm bảo chất lượng như đã thỏa thuận/ phát sinh thiệt hại trên thực tế, người mua có thể chọn phương thức khởi kiện ra Tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự để đảm bảo quyền lợi của mình. 

+ Tố cáo ra cơ quan công an: Áp dụng với trường hợp phát hiện hành vi buôn bán bánh kẹo, thực phẩm giả.

Theo khoản 7 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, hàng giả bao gồm:

 Hàng hóa có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản hoặc định lượng chất chính tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa

Hàng hóa có nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu, phân phối hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã số công bố, mã số mã vạch của hàng hóa hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của tổ chức, cá nhân khác; giả mạo về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa hoặc nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa;

Tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả.

Tùy theo tính chất mức độ, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi buôn bán hàng giả  có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu TNHS. Cụ thể:

Trách nhiệm hành chính: Căn cứ theo quy định tại Điều 11 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, mức phạt đối với hành vi buôn bán hàng giả như sau:

- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá dưới 3.000.000 đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp dưới 5.000.000 đồng;

- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng;

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng;

….

- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 30.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 50.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Mức phạt trên áp dụng đối với cá nhân vi phạm. Mức phạt đối với tổ chức sẽ gấp 2 lần mức phạt đối với cá nhân(theo điểm b khoản 4 Điều 4 Nghị định 98/2020/NĐ CP)

Trách nhiệm hình sự:

Trách nhiệm hình sự được đặt ra đối với cá nhân khi hành vi buôn bán hàng giả có dấu hiệu của Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm (Điều 193 BLHS 2015) hoặc Tội lừa dối khách hàng (Điều 198 BLHS 2015).

_ Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm: “ 1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Buôn bán qua biên giới;…”

_ Tội lừa dối khách hàng1. Người nào trong việc mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mà cân, đong, đo, đếm, tính gian hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm: a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

b) Thu lợi bất chính từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng…”

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

 
 
 

 

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer