Thời điểm này, tình hình dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng trên nhiều tỉnh thành khắp cả nước khiến cuộc sống của người lao động bị ảnh hưởng rất nhiều, đặc biệt là những người đã thất nghiệp trong nhiều tháng qua. Tình trạng này khiến cho nhu cầu vay tiền của một bộ phận lớn người dân tăng cao và lựa chọn của nhiều người là những tổ chức phi ngân hàng cho vay tiền qua những ứng dụng hoặc cho vay online như Home credit hay FE Credit…. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm như giải ngân nhanh chóng, không cần có tài sản thế chấp, điều kiện cho vay và thủ tục đơn giản thì loại hình vay tiền này cũng có những hạn chế mà không phải ai cũng biết và nắm rõ. Vì vậy, người dân cần lưu ý một số vấn đề sau đây khi có ý định vay tiền các hình thức này để tránh các rắc rối pháp lý không đáng có:

Nguồn ảnh: Internet

  1. Lãi suất

Đối với giao dịch cho vay trực tuyến có liên quan đến hoạt động kinh doanh cầm đồ, theo quy định tại khoản 1, Điều 468 của Luật Dân sự 2015, lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Tuy nhiên, riêng với các tổ chức tín dụng, Thông tư 39 năm 2016 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định tổ chức tín dụng và khách hàng được thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng. Do đó, hầu hết các công ty tài chính hiện nay đều cho vay với lãi suất cao hơn 20%/ năm rất nhiều. Các công ty này thường tính lãi ngày nên người vay cảm thấy số tiền lãi không quá lớn nhưng thực tế số lãi phải trả sẽ là rất cao. Ngoài ra, một số đơn vị sẽ tính thêm các chi phí khác, ví dụ, phí tư vấn, phí quản lý khoản vay…Vì vậy, người tiêu dùng nên tìm hiểu xem tổng cộng phải trả cụ thể bao nhiêu tiền, trong đó, bao gồm những khoản tiền gì, cách thức tính ra sao, cách thức thanh toán, thanh toán cho ai và thời hạn thanh toán...

Đã có nhiều trường hợp sau khi vay tiền, người vay phải trả khoản lãi suất khổng lồ mà không hiểu lý do. Để tránh rơi vào tình trạng mất tiền oan như vậy thì trước khi thực hiện hợp đồng người vay cần tìm hiểu rõ về những vấn đề về lãi suất và các khoản phí phải trả khi vay tiền.

  1. Dễ mất thông tin cá nhân

Do phần lớn các giao dịch được thực hiện online nên phạm vi thu thập và mục đích sử dụng thông tin của các công ty là rất lớn, trong đó, có một số mục đích sử dụng đặc thù, ví dụ như: để kiểm tra thông tin về người đi vay thông qua các mạng xã hội mà người đi vay đăng ký (facebook, zalo…), hoặc để liên hệ thực hiện nhắc/thu nợ khi phát sinh nợ quá hạn (điện thoại của người thân, của đồng nghiệp…)

Có những người vay do không đủ khả năng kinh tế hoặc vì lý do nào đó mà không kịp hoàn trả khoản vay đúng hạn đã phải đối mặt với việc bị tấn công qua điện thoại hoặc nghiêm trọng hơn là tấn công trực tiếp vào nhà, nơi cư trú từ phía những đối tượng thu hồi nợ. Vì vậy, trước khi cung cấp các thông tin liên quan, người tiêu dùng cần tìm và nghiên cứu chính sách thu thập thông tin của công ty để hiểu rõ phạm vi và mục đích sử dụng, tránh trường hợp cung cấp thông tin thiếu kiểm soát, dễ gây ảnh hưởng tới quyền lợi của bản thân, gia đình và bạn bè.

  1. Vấn đề về hợp đồng

Người tiêu dùng nên hỏi rõ về hình thức hợp đồng giao kết và cách thức công ty gửi cho người tiêu dùng hợp đồng để lưu giữ. Chỉ xác nhận đồng ý ký hợp đồng sau khi đã được tìm hiểu và nhìn rõ các nội dung thể hiện trên hợp đồng, tránh trường hợp thông tin bị thay đổi giữa nội dung tư vấn và trên hợp đồng đã ký.

Sau khi ký, người tiêu dùng nên yêu cầu công ty gửi bản hợp đồng đã ký để lưu giữ và đối chiếu, sử dụng khi có phát sinh tranh chấp. Trường hợp phát hiện nội dung hợp đồng không đúng như nội dung tư vấn, quảng cáo, người tiêu dùng nên sử dụng các hình thức phản ánh, khiếu nại có lưu vết tới công ty, như gửi email, gửi qua bưu điện có xác nhận chuyển phát.

  1. Rủi ro nếu không trả được nợ

Nếu không đủ khả năng trả nợ thì người vay sẽ bị đẩy vào danh sách nợ xấu và rất khó cho việc xoay sở nguồn tiền sau này, ảnh hưởng khá lớn tới tương lai của người vay tiền. Theo ghi nhận, chi phí vay trực tuyến khá cao so với mặt bằng cho vay tại các đơn vị tổ chức tín dụng. Vì vậy, mặc dù là vay các khoản có giá trị nhỏ nhưng người tiêu dùng nên có tính toán cụ thể, chắc chắn để đảm bảo khả năng trả nợ đúng hạn, tránh tình trạng phát sinh lãi cao dẫn đến không thể trả được nợ.

Ngoài ra, mặc dù là vấn đề dân sự, nhưng nếu người vay tiền cố tình thông qua hợp đồng vay nợ để chiếm đoạt tài sản rồi bỏ trốn, hoặc có khả năng trả nợ nhưng không trả thì người cho vay có thể bị khởi kiện về tội Lưà đảo chiếm đoạt tài sản hoặc tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015.

Ngoài trách nhiệm hình sự, người vay tiền vẫn phải chịu trách nhiệm dân sự là trả lại toàn bộ số tiền vay và khoản lãi suất theo quy định của pháp luật.

 

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Vui lòng liên hệ tư vấn và sử dụng dịch vụ của Công ty Luật TNHH Sao Việt tại:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

 

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer