Tôi có một khoản cho vay 7 tỷ từ năm 2016 đến nay đã quá hạn 3 năm nhưng người vay vẫn không trả. Vì người vay là chỗ quen biết với bố mẹ tôi nên tôi cũng không thể đòi tiền theo kiểu cạn tình cạn nghĩa, tuy nhiên qua thông tin từ bạn bè, tôi cũng được biết người vay tiền không chỉ vay một mình tôi mà đã nợ nần khắp nơi rồi. Tôi đang có ý định bán khoản nợ này cho công ty mua bán nợ, bản thân tôi bây giờ cũng xác định lấy lại được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Vì vậy tôi muốn hỏi luật sư về những lưu ý khi làm hợp đồng mua bán nợ để tránh rủi ro. Tôi xin cảm ơn.

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:

Mặc dù đòi nợ thuê đã bị cấm ở Việt Nam, tuy nhiên nó lại được biến tướng hợp pháp hóa dưới dạng các công ty mua bán nợ. Về bản chất việc mua bán nợ cũng tương tự như đòi nơ thuê nhưng các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ mua bán nợ được pháp luật công nhận và kiểm soát dưới các quy định của pháp luật.

Nếu bạn muốn bán nợ cho công ty mua bán nợ thì việc cần quy định chặt chẽ các điều khoản trong hợp đồng mua bán nợ là cực kỳ quan trọng bởi nếu sơ xuất thì sẽ có những tình huống xảy ra khiến bạn có nguy cơ vướng phải rắc rối pháp lý không chỉ đơn giản là tranh chấp dân sự mà còn có thể vi phạm cả luật hình sự.

1. Về tư cách pháp lý của doanh nghiệp mua nợ:

Đối với những doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ được thành lập trước ngày 26/3/2021 (ngày Nghị định 31/2021/NĐ-CP hướng dẫn luật Đầu tư có hiệu lực) thì để được phép hoạt động, doanh nghiệp cần tuân thủ những quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ. Các điều kiện chung mà doanh nghiệp cần đáp ứng theo quy định tại Nghị định 69/2016/NĐ-CP cơ bản bao gồm các điều kiện về đăng ký ngành nghề kinh doanh dịch vụ mua bán nợ, điều kiện vốn điều lệ, vốn đầu tư tối thiểu 100 tỷ đồng, điều kiện về người quản lý của doanh nghiệp, điều kiện của các khoản nợ được mua bán,...

Mặc dù hiện nay Nghị định 69/2016/NĐ-CP đã hết hiệu lực và theo quy định của Luật đầu tư 2020, hoạt động mua bán nợ không có hạn chế kinh doanh và được hoạt động tương tự những ngành nghề dịch vụ khác. Tuy nhiên, doanh nghiệp kinh doanh mua bán nợ vẫn cần đáp ứng những điều kiện tối thiểu nêu trên.

Mặc dù với tư cách người bán nợ, bạn không cần bắt buộc phải biết được những vấn đề về pháp lý, giấy phép của doanh nghiệp mua nợ; tuy nhiên việc nắm được những thông tin tối thiểu về đối tác giao dịch với mình sẽ giúp bạn hạn chế được những rủi ro khi ký hợp đồng; ít nhất để đảm bảo đối tác ký hợp đồng với mình có tư cách pháp nhân hợp pháp.

2. Về đối tượng của hợp đồng mua bán nợ

Quyền đòi nợ là một loại quyền tài sản được phép mua bán theo quy định của Bộ luật Dân sự, khi đó khoản nợ sẽ được coi là một loại tài sản đặc biệt, là đối tượng của hợp đồng mua bán. Các khoản nợ được mua bán phải đáp ứng đủ các điều kiện như sau:

- Bên vay và bên cho vay không có thỏa thuận bằng văn bản về việc không được mua, bán khoản nợ đó

- Khoản nợ không được sử dụng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự tại thời điểm mua bán nợ, trừ trường hợp đã được bên nhận bảo đảm đồng ý về việc bán nợ bằng văn bản

- Bên nợ và bên mua lại khoản nợ không phải là các đối tượng có liên quan đến nhau theo quy định của Luật doanh nghiệp.

3. Đối với hợp đồng mua bán nợ:

Về cơ bản, hợp đồng mua bán nợ vẫn phải tuân thủ về hình thức, nội dung chủ yếu của hợp đồng theo quy định của pháp luật dân sự. Theo quy định tại Điều 13 Thông tư 09/2015/TT-NHNN thì hợp đồng mua bán nợ phải tuân thủ về hình thức sau đây:

“1. Hợp đồng mua, bán nợ phải được ký bởi người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền của các bên mua, bán nợ.

2. Hợp đồng mua, bán nợ phải có những nội dung chủ yếu sau đây:

a) Thời gian ký kết hợp đồng mua, bán nợ;

b) Tên, địa chỉ của các bên tham gia ký kết hợp đồng mua, bán nợ;

c) Tên, chức danh người đại diện các bên tham gia ký kết hợp đồng mua bán nợ;

d) Tên, địa chỉ của bên nợ và các bên có liên quan (nếu có) tới khoản nợ được mua, bán;

đ) Chi tiết khoản nợ mua, bán: Số tiền vay, thời gian vay, mục đích giá trị ghi sổ của khoản nợ đến thời điểm thực hiện mua, bán nợ;

e) Các biện pháp bảo đảm cho nghĩa vụ thanh toán của bên nợ đối khoản nợ được mua, bán (nếu có);

g) Giá bán nợ, phương thức thanh toán, thời hạn thanh toán;

h) Thời điểm, phương thức và thủ tục chuyển giao hồ sơ, chứng từ khoản nợ, bao gồm cả hồ sơ, tài liệu về tài sản bảo đảm của khoản nợ (nếu có); Thời điểm bên mua nợ trở thành người thế quyền, nghĩa vụ đối với khoản nợ của bên bán nợ;

i) Quyền và nghĩa vụ của bên bán nợ, bên mua nợ;

k) Trách nhiệm của các bên do vi phạm hợp đồng;

l) Giải quyết tranh chấp phát sinh.

3. Ngoài các nội dung quy định tại khoản 2 Điều này, các bên có thể thỏa thuận các nội dung khác trong hợp đồng mua, bán nợ không trái với quy định Thông tư này và quy định của pháp luật có liên quan.”

Hợp đồng mua bán nợ không bắt buộc phải công chứng tuy nhiên việc công chứng có thể được coi là một trong những biện pháp chắc chắn hơn về tính pháp lý của hợp đồng mua bán nợ đã ký kết, tiết kiệm thời gian, công sức để chứng minh nếu có xảy ra những tranh chấp về hợp đồng mua bán này.

Trong hợp đồng mua bán nợ, với tư cách bên bán, bạn cần thỏa thuận và nêu rõ phạm vi khoản nợ và xác định cụ thể nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng: ví dụ hiệu lực đối kháng với người thứ 3, các trường hợp bất khả kháng, yếu tố miễn trừ trách nhiệm trong trường hợp các bên vi phạm, điều khoản phạt hợp đồng... trong đó quyền lợi, nghĩa vụ của bên cho vay đối với khoản nợ sẽ chuyển giao toàn bộ cho bên mua nợ, bên cho vay chấm dứt hoàn toàn nghĩa vụ kể từ thời điểm hợp đồng mua bán nợ có hiệu lực; tránh trường hợp nếu bên mua nợ sử dụng những biện pháp đòi nợ bất hợp pháp thì bạn cũng sẽ phải liên đới chịu trách nhiệm khi hợp đồng mua bán nợ không thỏa thuận rõ ràng.

 4. Trách nhiệm thông báo đến người vay nợ.

Mặc dù bạn không cần phải xin phép bên vay khi bán lại khoản nợ cho doanh nghiệp thu mua nợ, tuy nhiên, bạn phải có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho con nợ về việc đã bán khoản nợ cho doanh nghiệp mua bán nợ, đây là quy định được nêu rõ tại khoản 2 Điều 365 Bộ luật dân sự:

 “2. Khi bên có quyền yêu cầu chuyển giao quyền yêu cầu cho người thế quyền thì người thế quyền trở thành bên có quyền yêu cầu. Việc chuyển giao quyền yêu cầu không cần có sự đồng ý của bên có nghĩa vụ.

Người chuyển giao quyền yêu cầu phải thông báo bằng văn bản cho bên có nghĩa vụ biết về việc chuyển giao quyền yêu cầu, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trường hợp bên chuyển giao quyền yêu cầu không thông báo về việc chuyển giao quyền mà phát sinh chi phí cho bên có nghĩa vụ thì bên chuyển giao quyền yêu cầu phải thanh toán chi phí này.”

Trường hợp bạn không thông báo về việc chuyển giao quyền đòi nợ cho bên khác và bên mua nợ cũng không chứng minh được tính xác thực của việc chuyển giao quyền đòi nợ thì bên vay có quyền từ chối việc trả nợ cho bên mua nợ.

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer