Em có đứng tên hộ cho người bạn mua trả góp một chiếc điện thoại di động của cửa hàng điện máy xanh. Lúc mua người bạn đó hứa hàng tháng sẽ trả đúng kì cho em. Nhưng chỉ được một tháng thì em không còn liên lạc được với bạn nữa, bạn cũng không trả tiền trả góp cho cửa hàng nên em phải trả thay. Hiện tại đã đến tháng thứ 3 nhưng em điện thoại mà bạn em vẫn không bắt máy. Vậy em phải làm sao ạ, em không muốn tiếp tục phải trả nợ trong khi điện thoại thì em không được dùng?

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet.

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

Những người đứng tên hộ như bạn thường sai lầm khi cho rằng người nào sở hữu chiếc điện thoại thì người đó mới phải chịu trách nhiệm khoản vay trả góp, tuy nhiên, thực tế giao dịch của bạn với cửa hàng Điện máy xanh thoả mãn tất cả các điều kiện có hiệu lực bao gồm tự nguyện, không vi phạm điều cấm và không trái đạo đức xã hội. Do đó, khi xác lập hợp đồng thì bạn sẽ bị ràng buộc với các quyền và nghĩa vụ mà hợp đồng ghi nhận.

Đầu tiên, bạn cần có bằng chứng chứng minh có tồn tại thỏa thuận giữa bạn và người bạn kia. Trong đó, bạn là người được nhờ đứng tên mua trả góp chiếc điện thoại di động và người bạn kia có nghĩa vụ trả dần tiền mua này cho cửa hàng thay cho bạn. Bằng chứng có thể là giấy tờ về việc thỏa thuận có chữ ký của hai người hoặc là tin nhắn, bản ghi âm lời hứa về việc thỏa thuận… Đây sẽ là căn cứ để bạn bảo vệ quyền lợi cho mình khi tiến hành khởi kiện, hoặc thoả thuận lại với người bạn của mình.

Thứ hai, bạn cần tiếp tục liên hệ với bạn của bạn để yêu cầu thanh toán tiền mua điện thoại hoặc đòi lại điện thoại trong trường hợp người bạn kia từ chối thanh toán khoản tiền này. Do bạn là người đứng tên trên hợp đồng mua bán nên về nguyên tắc bạn là chủ sở hữu của chiếc điện thoại, hợp đồng mua bán với cửa hàng Điện máy xanh vẫn đứng tên bạn nên việc thanh toán khoản tiền mua bạn vẫn phải thực hiện. Trường hợp người bạn kia từ chối thực hiện việc thanh toán tiền mua trả góp thì bạn có thể lấy lại chiếc điện thoại thông qua thoả thuận hoặc qua việc khởi kiện lên Toà án.

Tuy nhiên, phương án khởi kiện trong trường hợp này không khả thi, một phần vì giá trị tài sản không quá lớn (chi phí và thời gian dành cho vụ kiện đôi khi còn mất nhiều hơn), một phần do bạn hiện tại không có cách nào liên lạc được với người bạn của mình.

Do đó, chúng tôi đưa ra lời khuyên cho bạn đó là làm đơn tố cáo lên cơ quan công an, do hành vi mà người bạn kia thực hiện đang có dấu hiệu của tội " Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" hoặc tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Những bằng chứng về thoả thuận giữa hai bạn, hợp đồng mua bán với cửa hàng,... sẽ là căn cứ để cơ quan điều tra xác định việc người bạn kia có phạm tội hay không. Nếu có, cơ quan công an sẽ thụ lý vụ án và tiến hành điều tra, khởi tố,... để bảo vệ quyền lợi cho bạn.

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục có gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer