Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhu cầu sử dụng khẩu trang y tế ngày càng tăng cao, lợi dụng tình hình đó, nhiều cơ sở đã có hành vi sản xuất khẩu trang y tế giả bằng giấy vệ sinh, thậm chí hoạt động sản xuất khẩu trang y tế mà chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Là người tiêu dùng, tôi rất hoang mang. Xin hỏi pháp luật hiện nay có những quy định nào để xử lý trường hợp trên hay không?

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới Công ty Luật TNHH Sao Việt, theo thông tin bạn cung cấp, chúng tôi tư vấn như sau:

Thứ nhất, về hành vi sản xuất khẩu trang y tế mà chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép

Khẩu trang y tế được xem là khẩu trang bảo vệ sức khỏe, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người vì vậy sản xuất khẩu trang y tế cần đáp ứng được các điều kiện quy định tại Nghị định 36/2016/NĐ-CP của chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế. Các cơ sở sản xuất khẩu trang y tế mà chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiên sản xuất sẽ bị xử phạt theo Điều 55 Nghị định 176/2013/NĐ-CP của chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, cụ thể:

“Điều 55. Vi phạm quy định về sản xuất trang thiết bị y tế

4. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Sản xuất trang thiết bị y tế không có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất trang thiết bị y tế theo quy định của pháp luật;

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc tiêu hủy hoặc tái chế trang thiết bị y tế đối với hành vi quy định tại Khoản 4 Điều này.”

Thứ hai, về hành vi sản xuất khẩu trang y tế giả

Theo quy định tại Nghị định số 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dung thì đối với hành vi sản xuất hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng sẽ bị xử phạt từ 3.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng. Bên cạnh đó, người vi phạm còn phải thực hiện một số biện pháp khắc phụ hậu quả như: Tịch thu tang vật vi phạm, tịch thu phương tiện là công cụ, máy móc và vật khác được sử dụng để sản xuất hàng giả, buộc tiêu hủy tang vật, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm, buộc thu hồi tiêu hủy hàng giả đang lưu thông trên thị trường đối với hành vi vi phạm.

Trong quá trình điều tra, nếu cơ quan chức năng có thẩm quyền xác định được có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì người phạm tội có thể bị xử lý hình sự theo Điều 192 Bộ luật hình sự về Tội sản xuất, buôn bán hàng giả với mức cao nhất của khung hình phạt lên tới 15 năm tù, ngoài ra, mức phạt tiền cao nhất có thể lên đến 1 tỷ đồng. Đối với pháp nhân thương mại phạm tội, mức phạt tiền cao nhất lên đến 9 tỷ đồng và có thể bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer