Câu hỏi: 
 Vừa qua tôi có xảy ra tranh chấp với cháu gái về nhà đất. thửa đất đang tranh chấp hiện đã được cấp GCNQSDĐ đất đứng tên tôi, cho rằng thửa đất này là của em trai tôi, ( tức bố của nó đã mất). Nên nó đã khởi kiện tôi ra tòa với yêu cầu chia thừa kế và hủy giấy chứng nhận QSDĐ mà tôi đã được cấp trước đó. Hiện tôi đã nhận được thông báo thụ lý của tòa án, cũng đã chuẩn bị các giấy tờ để tự bảo vệ. Tuy nhiên tôi thắc mắc một điều, nơi thụ lý vụ án lại là tòa án nhân dân Tỉnh nơi tôi và cháu gái tôi hiện đang sống, mà không phải tòa án cấp Huyện. Luật sư cho tôi hỏi, có phải tòa án đã thụ lý sai thẩm quyền hay không?
Trả lời:
Căn cứ các Khoản 1 khoản 3 Điều 35 bộ luật tố tụng Dân sự 2015 quy định về thẩm quyền của Tòa án cấp huyện như sau:
“1. Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp sau đây:
a) Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 26 và Điều 28 của Bộ luật này, trừ tranh chấp quy định tại khoản 7 Điều 26 của Bộ luật này;
b) Tranh chấp về kinh doanh, thương mại quy định tại khoản 1 Điều 30 của Bộ luật này;
c) Tranh chấp về lao động quy định tại Điều 32 của Bộ luật này
….
3. Những tranh chấp, yêu cầu quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.”

Theo thông tin anh cung cấp, anh và cháu anh là người Việt Nam, tài sản đang tranh chấp hiện cũng ở VN không đáp ứng các nội dung nêu tại khoản 3, do đó nếu dừng lại ở yêu cầu chia tài sản thừa kế. Thẩm quyền thụ lý giải quyết vụ án sẽ do Tòa án nhân dân cấp huyện nơi anh và cháu anh sinh sống.
Tuy nhiên mấu chốt trong trường hợp này để xác định chính xác tòa án có thẩm quyền giải quyết lại nằm ở yêu cầu hủy GCNQSDĐ của cháu gái anh.
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 34 BLTTDS 2015 quy định thẩm quyền của tòa án đối với quyết định cá biệt của cơ quan tổ chức như sau:
“4. Thẩm quyền của cấp Tòa án giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp có xem xét việc hủy quyết định cá biệt quy định tại khoản 1 Điều này được xác định theo quy định tương ứng của Luật tố tụng hành chính về thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án nhân dân cấp tỉnh.”
Dẫn chiếu tới quy định của bộ luật tố tụng hành chính  tại khoản 4 Điều 32 thì đối với những quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện sẽ do Tòa án nhân dân cấp tỉnh thụ lý giải quyết. do đó mặc dù là một vụ án dân sự, nhưng trong đó có yêu cầu hủy một quyết định hành chính (GCNQSDĐ), nên thẩm quyền của tòa án sẽ được xác định theo quy định của luật tố tụng hành chính.
Như vậy trong trường hợp này có thể khẳng định, tòa  án nhân dân Tỉnh thụ lý vụ án của anh và cháu gái anh là hoàn toàn đúng thẩm quyền, công việc của anh sắp tới nên chuẩn bị kĩ những căn cứ để bảo vệ quyền lợi của mình trước tòa, xin cảm ơn anh đã gửi câu hỏi và chúc anh may mắn.
Trên đây là tư vấn của công ty luật Sao Việt, nếu có thêm thắc mắc cần tư vấn hoặc sử dụng dịch vụ quý khách vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số hotline 19006243
Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer