Bác tôi nhập viện phẫu thuật và điều trị khối u mềm ở cánh tay trái. Trong quá trình phẫu thuật không có gì bất thường. Tuy nhiên sau phẫu thuật, bàn tay trái của bác tôi bị tê cứng và không cử động được bình thường. Bác tôi đã theo dõi một thời gian nhưng bàn tay trái vẫn không thể cử động được bình thường. Sau khi phản ánh sự việc lên bác sỹ điều trị và bệnh viện thì bác tôi đã được chuyển viện lên tuyến trên để điều trị nối dây thần kinh, nối gân nơi vết mổ để bàn tay trái cử động bình thường. Gia đình chúng tôi cho rằng đây là lỗi của bác sỹ phẫu thuật khối u ở cánh tay của bác tôi nên muốn yêu cầu bác sĩ đó và bệnh viện phải bồi thường toàn bộ chi phí điều trị cho bác tôi thì có được không?

Trả lời:

Chào bạn. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với thắc mắc của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Bác bạn phẫu thuật khối u mềm ở cánh tay trái; sau phẫu thuật, bàn tay trái lại bị tê cứng và không hoạt động được. Dù chưa xác định được nguyên nhân gây ra sự cố này nhưng dưới góc độ pháp lý, đây vẫn được xem là tai biến trong khám bệnh chữa bệnh được quy định tại khoản 13 Điều 2 Luật khám chữa bệnh năm 2009. Theo đó:  “Tai biến trong khám bệnh, chữa bệnh là hậu quả gây tổn hại đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh do sai sót chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh hoặc rủi ro xảy ra ngoài ý muốn trong khám bệnh, chữa bệnh mặc dù người hành nghề đã tuân thủ các quy định chuyên môn kỹ thuật.”

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 73, Điều 76 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009, trách nhiệm bồi thường khi xảy ra tai biến trong khám bệnh, chữa bệnh gồm 2 trường hợp như sau:

Trường hợp 1: Phải bồi thường cho người bệnh

Điều kiện áp dụng: Trách nhiệm bồi thường cho người bệnh được đặt ra khi thuộc các trường hợp sau:

a) Có sai sót chuyên môn kỹ thuật trong quá trình khám chữa bệnh dẫn đến tai biến cho người bệnh. Việc kết luận hoặc xác định người hành nghề có sai sót CMKT hay không phải do hội đồng chuyên môn được quy định tại Điều 74 và Điều 75 Luật KBCB thực hiện.Theo quy định tại khoản 1 Điều 73 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009, người hành nghề có sai sót chuyên môn kỹ thuật khi có một trong các hành vi sau đây: 

+ Vi phạm trách nhiệm trong chăm sóc và điều trị người bệnh;

+ Vi phạm các quy định chuyên môn kỹ thuật và đạo đức nghề nghiệp;

+ Xâm phạm quyền của người bệnh.

b) Hoặc trong trường hợp cấp cứu nhưng do thiếu phương tiện, thiết bị kỹ thuật, thiếu người hành nghề theo quy định của pháp luật mà không thể khắc phục được hoặc bệnh đó chưa có quy định chuyên môn để thực hiện dẫn đến xảy ra tai biến đối với người bệnh; các trường hợp bất khả kháng khác dẫn đến xảy ra tai biến đối với người bệnh.

Xác định trách nhiệm bồi thường: Theo Điều 76 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009, theo đó trách nhiệm bồi thường của người hành nghề, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi xảy ra tai biến trong khám bệnh, chữa bệnh như sau:

+ Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã mua bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm : khi đó doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bệnh theo hợp đồng bảo hiểm đã ký với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó.

+ Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chưa mua bảo hiểm thì phải tự bồi thường thiệt hại cho người bệnh theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và người hành nghề có sai sót chuyên môn kỹ thuật gây ra tai biến cho người bệnh còn phải chịu các trách nhiệm pháp lý khác tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả trên thực tế

Mức bồi thường thiệt hại về sức khỏe: Vì khám chữa bệnh cũng là hợp đồng dân sự nên trách nhiệm bồi thường thiệt hại cũng dựa trên các yếu tố theo Điều 584 Bộ luật dân sự 2015. Mức bồi thường thiệt hại về sức khỏe thường do các bên tự thỏa thuận dựa trên các khoản chi phí chữa trị, thuốc thang,…Bạn đọc tham khảo thêm tại Đây. Trường hợp không tự thỏa thuận được thì hai bên có thể khởi kiện ra Toà án.

Trường hợp 2: Không phải bồi thường cho người bệnh

Theo khoản 3 Điều 76 Luật khám chữa bệnh 2009:

“Trường hợp xảy ra tai biến trong khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 73 của Luật này thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và người hành nghề không phải bồi thường thiệt hại.”

Dẫn chiếu đến điểm a khoản 2 Điều 73 Luật khám chữa bệnh: “2. Người hành nghề không có sai sót chuyên môn kỹ thuật khi được hội đồng chuyên môn quy định tại Điều 74 và Điều 75 của Luật này xác định thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Đã thực hiện đúng các quy định chuyên môn kỹ thuật trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh nhưng vẫn xảy ra tai biến đối với người bệnh;”

Như vậy, chỉ khi bác sỹ phẫu thuật và điều trị cho bác bạn được hội đồng chuyên môn xác định là không có sai sót trong chuyên môn kỹ thuật – cụ thể là đã thực hiện đúng các quy định chuyên môn kỹ thuật trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh nhưng vẫn xảy ra tai biến đối với người bệnh thì mới không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bệnh.

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -   

"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"      

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Tp. Hà Nội 

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer