Câu hỏi: Tôi được thừa kế 2 mẫu ruộng lúa tuy nhiên, tôi đi làm ăn xa đã hơn 1 năm không trở về. Vậy tôi có bị thu hồi lại ruộng không?

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật TNHH Sao Việt, đối với câu hỏi của bạn, chúng tôi trả lời như sau:

Đất nông nghiệp bỏ hoang liên tục trong thời gian dài được xác định là hành vi vi phạm pháp luật, tuy nhiên không phải bất kỳ trường hợp nào bỏ hoang đất không sử dụng cũng sẽ bị thu hồi đất. Cụ thể, khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai 2013 quy định:

1. Các trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai bao gồm:

a) Sử dụng đất không đúng mục đích đã được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng đất không đúng mục đích mà tiếp tục vi phạm;

b) Người sử dụng đất cố ý hủy hoại đất;

….

h) Đất trồng cây hàng năm không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục; đất trồng cây lâu năm không được sử dụng trong thời hạn 18 tháng liên tục; đất trồng rừng không được sử dụng trong thời hạn 24 tháng liên tục;

i) Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng; trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này; hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng.

Như vậy, tùy theo từng loại đất nông nghiệp cụ thể, nếu không sử dụng trong một thời gian liên tục sẽ bị thu hồi, cụ thể như sau:

1, Đất trồng cây hàng năm không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục;

2, Đất trồng cây lâu năm không được sử dụng trong thời hạn 18 tháng liên tục;

3, Đất trồng rừng không được sử dụng trong thời hạn 24 tháng liên tục.

Ngoài việc bị thu hồi đất, việc bỏ hoang đất quá thời hạn nêu trên còn có thể bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 20 triệu đồng theo Điều 32 Nghị định 91/2019/NĐ-CP tùy theo diện tích bỏ hoang. Mức phạt cụ thể như sau:

"1. Hành vi không sử dụng đất trồng cây hàng năm trong thời hạn 12 tháng liên tục, đất trồng cây lâu năm trong thời hạn 18 tháng liên tục, đất trồng rừng trong thời hạn 24 tháng liên tục mà không thuộc trường hợp bất khả kháng quy định tại Điều 15 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP thì hình thức và mức xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng nếu diện tích đất không sử dụng dưới 0,5 héc ta;

b) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng nếu diện tích đất không sử dụng từ 0,5 héc ta đến dưới 03 héc ta;

c) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu diện tích đất không sử dụng từ 03 héc ta đến dưới 10 héc ta;

d) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu diện tích đất không sử dụng từ 10 héc ta trở lên.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc sử dụng đất theo mục đích được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất; trường hợp đã bị xử phạt mà không đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 64 của Luật Đất đai."

Mức phạt trên áp dụng với cá nhân vi phạm, nếu tổ chức có hành vi vi phạm tương tự thì phạt gấp đôi theo điểm a khoản 1 Điều 6 Nghị định 91/2019/NĐ-CP.

Từ quy định nêu trên, hướng xử lý đối với hành vi bỏ hoang đất gồm 3 trường hợp như sau:

TH1:  Không bị xử phạt vi phạm hành chính:

Cá nhân, tổ chức bỏ hoang đất không bị xử phạt vi phạm hành chính nếu

+ Chưa đủ thời hạn quy định: thời gian không sử dụng đất trồng cây hằng năm chưa đủ 12 tháng liên tục, dưới 18 tháng liên tục đối với đất trồng cây lâu năm, dưới 24 tháng liên tục đối với đất trồng rừng 

+ Hoặc đã quá thời hạn quy định nhưng thuộc các trường hợp bất khả kháng như do ảnh hưởng trực tiếp của thiên tai, thảm họa môi trường, hỏa hoạn dịch bệnh, ảnh hưởng trực tiếp của chiến tranh …

TH2: Bị xử phạt vi phạm hành chính: áp dụng đối với trường hợp đã quá thời hạn quy định (mà không thuộc trường hợp bất khả kháng ) cụ thể: đối với đất trồng cây hàng năm không sử dụng trong 12 tháng liên tụcđất trồng cây lâu năm trong thời hạn 18 tháng liên tục, đất trồng rừng trong thời hạn 24 tháng liên tục . Tuỳ theo diện tích bỏ hoang, mức phạt tiền dao động từ 500.000 đồng – 10 triệu đồng đối với cá nhân, từ 1 triệu đồng – 20 triệu đồng đối với tổ chức (Điều 6 Nghị định 91/2019/NĐ-CP)

TH3: Bị nhà nước thu hồi đất

Trường hợp đã bị xử phạt hành chính mà vẫn không đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 64 của Luật Đất đai:

“Đất trồng cây hàng năm không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục; đất trồng cây lâu năm không được sử dụng trong thời hạn 18 tháng liên tục; đất trồng rừng không được sử dụng trong thời hạn 24 tháng liên tục;”

Trường hợp của bạn thuộc diện Đất trồng cây hàng năm: Không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục. Do đó, khả năng cao bạn sẽ bị phạt hành chính từ 500.000 đồng – 10 triệu đồng theo Nghị định 91 nêu trên, sau đó nếu bạn vẫn không sử dụng đất để trồng trọt canh tác thì mới bị thu hồi. Vì vậy bạn cần lưu ý, để giữ lại đất nông nghiệp thừa kế từ cha mẹ, trong thời gian bạn đi làm ăn xa, bạn có thể nhờ người khác canh tác giúp để không bị xử phạt cũng như thu hồi đất.

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

 

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer