Anh Trí ( Đông Anh – Hà Nội) : Tôi là một trong những thành viên của hợp tác xã Việt Hồng với hơn 300ha đất trồng rau. Thời gian qua, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh và thiên tai nên hợp tác xã của chúng tôi bị đình trệ hoạt động. Sắp tới nếu không cải thiện được thì chúng tôi sẽ làm thủ tục giải thể hợp tác xã. Tôi muốn hỏi trường hợp nếu giải thể hợp tác xã thì quyền sử dụng đất sẽ xử lý thế nào? Có phải nhà nước sẽ thu hồi lại đất này không?

Ảnh minh họa: Internet

Trả lời:

Chào bạn. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với thắc mắc của bạn, chúng tôi giải đáp như sau:

Hợp tác xã là một mô hình tổ chức kinh tế phổ biến từ lâu và được khuyến khích phát triển ở Việt Nam, tồn tại song hành cùng với các loại hình doanh nghiệp tại Việt Nam. Đây là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 07 thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý hợp tác xã. Cũng giống như các doanh nghiệp, giải thể hợp tác xã là việc chấm dứt sự tồn tại của hợp tác xã không còn hoặc không đủ điều kiện để tồn tại như một chỉnh thể nữa. Khi tiến hành thủ tục giải thể hợp tác xã, ngoài các vấn đề về tài sản, các khoản nợ phát sinh trong quá trình hoạt động thì vấn đề về quyền sử dụng đất cũng là câu hỏi chung của các thành viên hợp tác xã.

Quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế nói chung và của hợp tác xã nói riêng khi giải thể, phá sản được quy định tại Khoản 2 Điều 177 Luật Đất đai 2013:

“2. Quyền sử dụng đất của hợp tác xã khi giải thể, phá sản thực hiện theo quy định sau đây:

a) Đối với đất được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất; được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất, do mua tài sản gắn liền với đất hoặc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hợp pháp từ người khác mà tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền mua tài sản gắn liền với đất, tiền nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước thì Nhà nước thu hồi đất đó;

b) Đối với đất được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê, do mua tài sản gắn liền với đất hoặc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hợp pháp từ người khác mà tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền mua tài sản gắn liền với đất, tiền nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước; đất do thành viên góp quyền sử dụng vào hợp tác xã thì Nhà nước không thu hồi đất, quyền sử dụng đất đó là của hợp tác xã và được xử lý theo điều lệ của hợp tác xã, nghị quyết của đại hội thành viên.”

Theo quy định nói trên, quyền sử dụng đất của hợp tác xã khi giải thể gồm 2 trường hợp sau:

Trường hợp 1: Nhà nước thu hồi đất hợp tác xã nếu:

+ Đất giao không thu tiền sử dụng đất;

+ Đất giao có thu tiền sử dụng đất mà tiền từ ngân sách nhà nước;

+ Nhà nước cho thuê đất mà tiền thuê từ ngân sách nhà nước;

+ Đất do mua tài sản gắn liền với đất bằng ngân sách nhà nước;

+ Nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tiền thuê đất từ ngân sách nhà nước.

Trường hợp 2: Xử lý đất theo điều lệ của hợp tác xã, nghị quyết của đại hội thành viên:

+ Đất giao có thu tiền sử dụng đất mà tiền đó không lấy từ ngân sách nhà nước;

+ Đất thuê mà tiền thuê không từ ngân sách nhà nước;

+ Nhận chuyển nhượng hợp pháp mà tiền đó không từ ngân sách nhà nước;

+ Đất do thành viên góp quyền sử dụng đất vào hợp tác xã.

Như vậy, căn cứ theo hình thức sử dụng đất cũng như nguồn gốc đất, thì đất của hợp tác xã khi giải thể có thể do các thành viên trong hợp tác xã quyết định hoặc đất sẽ được Nhà nước thu hồi lại.

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

 

 

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer