Tôi đang làm việc tại một công ty sản xuất nhôm kính tại huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội. Dạo gần đây, tôi nghe đài báo đưa tin mực nước của hồ thủy điện Hòa Bình chỉ đủ phát điện tới ngày 13/6. Vậy nếu như tình trạng xấu nhất xảy ra gây mất điện nhiều ngày khiến cho công ty phải ngưng làm việc thì người lao động có được trả lương cho những ngày ngừng việc không? Mức lương người lao động được trả là bao nhiêu?

Trả lời:

Căn cứ quy định Điều 99 Bộ luật Lao động 2019 quy định về tiền lương ngừng việc như sau:

“Điều 99. Tiền lương ngừng việc

Trường hợp phải ngừng việc, người lao động được trả lương như sau:

1. Nếu do lỗi của người sử dụng lao động thì người lao động được trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động;

2. Nếu do lỗi của người lao động thì người đó không được trả lương; những người lao động khác trong cùng đơn vị phải ngừng việc thì được trả lương theo mức do hai bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu;

3. Nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động hoặc do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế thì hai bên thỏa thuận về tiền lương ngừng việc như sau:

a) Trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu;

b) Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.”

Ngoài ra, tại Khoản 5 Điều 58 Nghị định 145/2020/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động quy định thời giờ phải ngừng việc không do lỗi của người lao động sẽ được tính vào thời giờ làm việc được hưởng lương.

Như vậy, trong trường hợp mất điện và công ty phải ngừng việc mà không phải do lỗi của người lao động hay người sử dụng lao động thì người lao động sẽ được trả lương ngừng việc, mức lương trả khi ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng sẽ không thấp hơn mức lương tối thiểu, theo đó:

+ Trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống: Tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu;

+ Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc: Tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.

Tại Điều 3 Nghị định 38/2022/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu tháng và mức lương tối thiểu giờ đối với người lao động làm việc cho người sử dụng lao động theo vùng như sau:

Vùng

Mức lương tối thiểu tháng

(Đơn vị: đồng/tháng)

Mức lương tối thiểu giờ

(Đơn vị: đồng/giờ)

Vùng I

4.680.000

22.500

Vùng II

4.160.000

20.000

Vùng III

3.640.000

17.500

Vùng IV

3.250.000

15.600

Theo Phu lục kèm theo Nghị định số 38/2022/NĐ-CP thì Vùng I gồm địa bàn các quận và các huyện Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Thanh Trì, Thường Tín, Hoài Đức, Thạch Thất, Quốc Oai, Thanh Oai, Mê Linh, Chương Mỹ và thị xã Sơn Tây; Vùng II gồm địa bàn các huyện còn lại thuộc thành phố Hà Nội.

Do đó, bạn làm việc tại huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội thuộc Vùng II nên trong trường hợp mất điện và công ty phải ngừng việc thì bạn sẽ được trả lương ngừng việc với mức lương do hai bên thỏa thuận nhưng sẽ không thấp hơn mức lương tối là 4.160.000 đồng/tháng tương đương 20.000 đồng/giờ.

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer