Luật sư cho em hỏi, em đang xin vào làm nhân viên giao hàng của một công ty về thời trang. Công việc cụ thể là giao hàng trong nội thành Hà Nội. Công ty yêu cầu em phải đặt cọc 2 triệu để đảm bảo trách nhiệm giao hàng, vì hàng hóa của công ty giá trị cao. Nếu không đặt cọc thì chỉ có thể giao theo từng đơn ứng tiền trước, còn nếu chấp nhận đặt cọc thì được ký hợp đồng lao động. Cho em hỏi công ty yêu cầu vậy có đúng luật không? Nếu công ty không đưa việc đặt cọc này vào hợp đồng lao động mà làm văn bản đặt cọc riêng thì liệu em có phải rủi ro không lấy lại được khi nghỉ việc không? 

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:

Theo quy định tại Điều 17 Bộ Luật lao động 2019 về các hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động bao gồm:

1. Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động.

2. Yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.

3. Buộc người lao động thực hiện hợp đồng lao động để trả nợ cho người sử dụng lao động.

Như vậy, việc công ty yêu cầu người lao động đặt cọc khoản tiền để được ký hợp đồng lao động và được thực hiện công việc shipper là vi phạm pháp luật, cụ thể là vi phạm quy định tại khoản 2 nêu trên.

Hành vi này có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 9 Nghị định 12/2022/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong giao kết hợp đồng lao động như sau:

“ 2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng hoặc chứng chỉ của người lao động khi giao kết hoặc thực hiện hợp đồng lao động;

b) Buộc người lao động thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động;

c) Giao kết hợp đồng lao động với người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi mà không có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật của người đó.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả

...

đ) Buộc người sử dụng lao động trả lại số tiền hoặc tài sản đã giữ của người lao động cộng với khoản tiền lãi của số tiền đã giữ của người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 Điều này.”

Đồng thời theo Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP thì mức phạt tiền nêu trên áp dụng với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Do đó, nếu doanh nghiệp vi phạm thì có thể bị xử phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng. Ngoài ra, Luật còn buộc người sử dụng lao động phải hoàn trả lại số tiền cọc đã nhận từ người lao động.

Về việc công ty không đưa việc đặt cọc này vào hợp đồng lao động mà làm văn bản đặt cọc riêng, nó không làm thay đổi bản chất của việc thỏa thuận này trái pháp luật, mà chỉ thay đổi về hình thức thể hiện. Vì vậy, dù thỏa thuận bằng cách nào thì thỏa thuận này cũng không được công nhận. Tuy nhiên, hợp đồng hay thỏa thuận đặt cọc riêng đều có thể được xem là căn cứ chứng minh vi phạm của doanh nghiệp và đây có thể là “bằng chứng” để bạn yêu cầu hoàn trả tiền cọc khi nghỉ việc (nếu bạn chấp nhận đi làm theo thỏa thuận).

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -   

"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"      

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Tp. Hà Nội 

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

 
Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer