Bố tôi bị đột quỵ và mất ở bệnh viện. Do việc xảy ra đột ngột nên bố không kịp lập di chúc mà chỉ nói miệng rằng miếng đất gia đình đang ở để lại cho tôi, số tiền trong tài khoản để lại cho em gái tôi. Việc này có bác sĩ cấp cứu cho bố tôi, mẹ, tôi, và 1 bác trong gia đình chứng kiến. Sau khi thực hiện xong hết thủ tục tang lễ cho bố, gia đình tôi họp lại để bàn việc chia thừa kế nhưng em tôi không công nhận nguyện vọng của bố và cho rằng di chúc miệng là không hợp pháp, em muốn chia theo pháp luật. Vậy cho tôi hỏi trong trường hợp của gia đình tôi thì di chúc miệng của bố tôi có hợp pháp không? Tôi phải làm gì để nguyện vọng của bố được công nhận?
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:
Di chúc thể hiện mong muốn của cá nhân về việc chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết, di chúc có thể được lập thành văn bản nhưng cũng có thể chỉ là lời nói. Tuy nhiên dù ở hình thức nào thì di chúc cũng cần tuân thủ một số điều kiện nhất định để có thể được pháp luật công nhận.
Đối với di chúc miệng, cần đáp ứng một số điều kiện theo quy định tại Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
- Người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất 02 người làm chứng;
- Ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại và cùng ký tên hoặc điểm chỉ;
- Trong 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.
Ngoài ra, di chúc miệng cũng cần đáp ứng các điều kiện chung về người lập di chúc, di sản để lại, người nhận di sản như: Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt; không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép; Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức; Di sản nêu trong di chúc phải còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế; Người được hưởng thừa kế không thuộc các đối tượng không được hưởng thừa kế..v.v..
Như vậy, nếu đã quá 5 ngày kể từ ngày cha bạn để lại di chúc miệng rồi mất mà bạn và những người làm chứng chưa công chứng/chứng thực thì di chúc miệng của cha bạn không có hiệu lực. Khi đó, di sản cha bạn để lại sẽ được chia theo pháp luật.
Bạn cũng cần lưu ý thêm về điều kiện để người làm chứng được công nhận, 2 người làm chứng phải là những người không thuộc các trường hợp sau:
- Người thừa kế của người lập di chúc;
- Người có quyền và nghĩa vụ tài sản liên quan đến nội dung di chúc;
- Người chưa thành niên, người bị mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
=================================================================
Có thể bạn quan tâm:
- Ghi âm lời trăn trối có được coi là di chúc hợp pháp không?
- Thừa kế theo quy định tại Bộ luật dân sự 2015
Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com