Chào luật sư! Tôi tên là D. Vừa qua, khi đang điều trị ở trong bệnh viện thì ông tôi có nói tôi viết cho ông một bản di chúc. Trong di chúc ông tôi đã quyết định để lại toàn bộ tài sản của ông cho tôi. Bản di chúc được lập dưới sự chứng kiến của các bác sĩ của bệnh viện, các bác sỹ đã xác nhận và ký tên vào bản di chúc đó. Vậy luật sư cho hỏi bản di chúc đó có hợp pháp không? Có phải công chứng, chứng thực không? Tôi xin chân thành cảm ơn luật sư!

Trả lời:

Chào bạn! Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi, Luật sư Sao Việt đưa ra quan điểm tư vấn như sau:

Trường hợp 1: Di chúc miệng

Theo quy định tại khoản 1 Điều 629 Bộ luật dân sự 2015 thì khi tính mạng của ông bạn bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng.

Theo quy định tại khoản 5 Điều 630 Bộ luật dân sự 2015 thì:

“Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng”.

Theo quy định tại Điều 632 Bộ luật dân sự 2015 thì người làm chứng không được là người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc; người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan đến nội dung di chúc.

Như thông tin bạn cung cấp, bạn được ông bạn để lại toàn bộ tài sản thì bạn là người thừa kế theo di chúc. Cho nên bạn không phải là người làm chứng. Người làm chứng trong trường hợp này là các bác sỹ của bệnh viện (ít nhất là 02 người và không thuộc trường hợp quy định tại Điều 632 Bộ luật dân sự 2015), di chúc phải do bác sĩ ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ, đồng thời di chúc miệng phải được chứng thực trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày ông bạn thể hiện ý chí cuối cùng thì mới được coi là hợp pháp.

Trường hợp 2: Di chúc bằng văn bản có người làm chứng

Theo quy định tại Điều 634 Bộ luật dân sự 2015:

“Trường hợp người lập di chúc không tự mình viết bản di chúc thì có thể tự mình đánh máy hoặc nhờ người khác viết hoặc đánh máy bản di chúc, nhưng phải có ít nhất là hai người làm chứng. Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc.

Việc lập di chúc bằng văn bản có người làm chứng phải tuân theo quy định tại Điều 631 và Điều 632 của Bộ luật này”.

Theo quy định tại Điều 632 thì bạn không phải là người làm chứng. Đây là trường hợp ông bạn có khả năng tự viết di chúc nhưng vì một lý do nào đó mà không tự viết được bản di chúc nên đã nói bạn viết bản di chúc. Tuy nhiên, bản di chúc đó chỉ được coi là hợp pháp nếu như ông bạn ký tên hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt các bác sỹ (ít nhất 02 người và không thuộc trường hợp quy định tại Điều 632 Bộ luật dân sự 2015) và các bác sỹ phải xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của ông bạn và ký vào bản di chúc, đồng thời nội dung của di chúc phải phù hợp với quy định tại Điều 631 Bộ luật dân sự 2015. Trong trường hợp này, di chúc không cần phải công chứng hoặc chứng thực.  

Như vậy, với những thông tin bạn cung cấp, chúng tôi nhận thấy còn chưa đầy đủ và rõ ràng. Chúng tôi cần phải biết tình trạng của ông bạn khi lập di chúc; di chúc được lập vào thời điểm nào? Có bao nhiêu người làm chứng khi lập di chúc? Di chúc đã được chứng thực hay chưa?... Để chúng tôi có thể tư vấn cho bạn một cách tốt nhất. Và để tránh những tranh chấp sau này thì chúng tôi khuyên bạn nên tìm đến các công ty luật hoặc văn phòng luật sư có uy tín để trình bày cụ thể sự việc của bạn cũng như cung cấp cho các luật sư những giấy tờ, tài liệu cần thiết để các luật sư có thể tư vấn, bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích cho bạn.

Để nhận được ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, bạn đọc vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên viên pháp lý của Công ty Luật TNHH Sao Việt qua:

Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6243 hoặc 0243 636 7896

E-mail: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer